Nhiều sinh viên bị lừa đảo cọc trọ, thuê phòng đẹp giá rẻ

Minh Toàn (VTV Digital)-Thứ sáu, ngày 23/06/2023 15:18 GMT+7

VTV.vn - Với chiêu bài đăng nội dung cho thuê phòng trọ rẻ, đẹp, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt tiền cọc của nhiều học sinh, sinh viên.

Nhu cầu về nhà ở tại nhiều thành phố lớn là một trong số những nhu cầu cấp thiết, nhất là đối với những sinh viên xa quê đi học, đi làm. Do đó, nhiều đối tượng đã lợi dụng điều này nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều sinh viên.

Cho thuê phòng trọ giá rẻ

Với nhiều sinh viên, người đi làm, vấn đề nhà ở, phòng trọ là vấn đề được ưu tiên giải quyết hàng đầu. Cũng vì lý do đó mà nhiều hội nhóm cho thuê phòng trọ "nở rộ" trên nhiều trang mạng xã hội. Không ít đối tượng đã lợi dụng điều này nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Nhiều sinh viên bị lừa đảo cọc trọ, thuê phòng đẹp giá rẻ - Ảnh 1.

Không khó để có thể tham gia những hội nhóm tìm phòng trọ giá rẻ với hàng chục nghìn thành viên.

Sau khi nhận được kết quả thi THPT Quốc gia, nhiều học sinh có xu hướng tìm trọ online do lo sợ việc "khan phòng", "hết phòng"… Do đó, nhiều người không ngần ngại xem phòng online, cọc phòng online sau khi tìm được một "phòng trọ đẹp, giá rẻ". Tuy nhiên, điều này lại ẩn chứa nhiều nguy hiểm, rủi ro khi không thể đến trực tiếp đến xem và trao đổi với chủ nhà. Nhóm sinh viên năm nhất là những mục tiêu chủ yếu bị nhắm tới bởi các nhóm đối tượng này bởi hiểu biết về giá phòng trọ còn rất mông lung, mờ mịt và nhu cầu thuê phòng cao.

Những đối tượng này thường đăng ảnh phòng tiện nghi, giá rẻ và không để số điện thoại liên hệ, cách duy nhất để liên hệ với các đối tượng này là nhắn tin, và khi nhắn tin luôn hướng người thuê đến việc cọc giữ phòng. Hình thức mới xuất hiện gần đây là không đăng ảnh phòng nhưng đăng là có phòng rẻ ở khu vực trung tâm và phí xem phòng khoảng 200.000 đồng.

Nguyễn Công Tuấn (19 tuổi, sinh viên) sau khi nhận được kết quả của kỳ thi THPT Quốc gia năm 2022, Tuấn đã nhanh chóng tham gia các hội nhóm tìm trọ giá rẻ quanh khu vực trường đại học mà cậu thanh niên này đã xét tuyển. Do tìm online nên Tuấn nhận về được hàng trăm kết quả phòng trọ giá rẻ, tiện nghi.

Không khó để Tuấn tìm được một căn trọ ưng ý. Sau khi trao đổi với người đăng bài cho thuê và "xem phòng online" Tuấn đã chốt thuê căn trọ này dù chưa hề trực tiếp đến xem cũng như trao đổi với chủ căn trọ. Sau khi cọc, Tuấn chắc chắn rằng mình đã "hời" khi thuê được một căn trọ đầy đủ tiện nghi với giá rẻ bất ngờ như vậy.

Một tháng sau, khi lên nhận phòng, Tuấn không thể liên lạc được với người đã nhận tiền cọc. Đến bây giờ, Tuấn mới biết mình đã bị lừa. Xem phòng online, cọc phòng online, không cam kết, mọi thỏa thuận đều là thỏa thuận miệng nên Tuấn không biết kêu ai mà đành ngậm ngùi mất trắng số tiền đã cọc. Tuấn nói: "Lúc đó, em chỉ muốn tìm được một căn trọ ưng ý nên cũng không để ý quá nhiều. Đến lúc không thể gọi được người ta thì em mới biết mình đã bị lừa…".

Nhiều sinh viên bị lừa đảo cọc trọ, thuê phòng đẹp giá rẻ - Ảnh 2.

Nhiều người đã đăng bài cảnh báo lừa đảo nhằm nâng cao nhận thức hơn cho những người đi thuê nhà.

Giống với Tuấn, Trần Ngọc Bình (20 tuổi, sinh viên) cũng là một nạn nhân của những đối tượng gắn mác "cho thuê phòng trọ giá rẻ". Do nhu cầu cần chuyển trọ gấp để tiện đi học cũng như đi làm nên Bình đã đăng bài tìm trọ trên nhiều hội nhóm lớn. Sau đó, Bình tìm được một căn trọ ưng ý và đã liên hệ với người đăng bài cũng như chủ nhà để xem nhà và cọc tiền.

Bình kể: "Sau khi hẹn bạn đăng bài 3 lần xem nhà không được thì mình có liên hệ trực tiếp với số điện thoại chủ nhà được ghim trên bài đăng. Lúc đầu mình có cọc 500.000 đồng để giữ phòng hôm sau qua xem rồi chốt luôn, nhưng hẹn với người đăng bài không được, anh tiếp tục bảo mình cọc thêm 300.000 đồng để chốt phòng, cọc phòng rồi làm hợp đồng luôn, mình vẫn chấp nhận chuyển thêm cho họ.

Ngày hôm sau thì có gọi mình bảo chuyển thêm 1.000.000 đồng cho đủ cọc để chuyển tiền cho bên quản lý nhà dọn phòng và bảo dưỡng, vì quá ưng phòng đó nên mình cũng làm liều và chấp nhận chuyển, hẹn hôm sau qua làm hợp đồng rồi chốt luôn. Hôm sau, mình qua nhà và gọi trước thì máy bận. Bạn đăng bài ngay sau đó cũng chặn và anh chủ nhà thì cũng không nghe máy. Mình đã đến tận nơi và hỏi hàng xóm thì họ bảo ở đây không có chủ nhà nào tên như vậy cả và mấy hôm trước cũng có người bị lừa giống mình. Lúc này mình biết chắc là mình bị lừa rồi…".

Có thể khởi kiện ra tòa

Luật sư Dương Lê Ước An (Công ty Luật Hợp danh Đại An Phát) cho biết: "Thứ nhất về mặt chủ thể, những đối tượng lừa tiền đều là những người có đầy đủ nhận thức. Thứ hai, về mặt khách thể: Hành vi mà các đối tượng thực hiện đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản, cụ thể là số tiền cọc mà các đối tượng lấy của bên thuê nhà.

Thứ ba, về mặt chủ quan: Các đối tượng đã thực hiện hành vi một cách chủ động, có ý chí rõ ràng mong muốn hành vi được thực hiện và hậu quả được xảy ra. Đồng thời, các đối tượng cũng nhận biết được việc thực hiện các hành vi nêu trên là vi phạm quy định pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền sở hữu tài sản của người khác nhưng vẫn cố ý thực hiện. Thứ tư, về mặt khách quan: Các đối tượng đã dùng thủ đoạn gian dối, tạo niềm tin cho những người thuê nhà bằng việc thỏa thuận cho thuê nhà với giá rẻ.

Từ những hành vi, thủ đoạn lừa dối nêu trên đã đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nhiều sinh viên bị lừa đảo cọc trọ, thuê phòng đẹp giá rẻ - Ảnh 3.

Luật sư Dương Lê Ước An cho biết: “Người thuê nhà, phòng trọ bên cạnh việc xem xét kỹ người đứng ra cho thuê nhà là ai còn phải chú ý đến các điều khoản trong hợp đồng thuê nhà trước khi ký hợp đồng đặt cọc, trả trước tiền nhà”.

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với số tiền lừa cọc của các đối tượng giao động từ khoảng 500.000 đồng đến vài triệu đồng thì hình phạt sẽ là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Nếu người thuê ký kết và đưa tiền cho những đối tượng lừa cọc, người không phải chính chủ, khi xảy ra tranh chấp, giao dịch đó bị tuyên vô hiệu. Nếu không thể tự thỏa thuận, chính quyền địa phương không giải quyết được có thể khởi kiện tại tòa.

Với trường hợp người cho thuê cố tình làm giả giấy tờ để người thuê tin họ là chủ nhà và ký kết, đưa tiền cọc, tiền nhà thì khi phát hiện, người thuê có thể trình báo với cơ quan công an để khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Luật sư Dương Lê Ước An nhận định: "Khi thuê nhà, cần quan tâm đến việc người cho thuê nhà là ai. Theo Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, người đứng ra cho thuê nhà phải là người có năng lực chủ thể, tức là phải đưa ra những cơ sở chứng minh được ngôi nhà đó của họ".

Người cho thuê cũng có thể là người được chủ nhà ủy quyền và phải có giấy ủy quyền hợp lệ thì giao dịch mới có giá trị. Người thuê phải chú ý điều này để tránh ký kết với đối tượng trung gian. Thực tế, dù người đi thuê nhà tưởng rằng ký hợp đồng với "chính chủ" nhưng gặp phải đối tượng lừa đảo làm giả giấy tờ nên bị lừa tiền cọc, tiền thuê nhà".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước