Nhiều sỏi bán san hô lấp đầy thận người bệnh 60 tuổi

P.V-Thứ ba, ngày 28/11/2023 08:00 GMT+7

PGS Trần Văn Hinh cùng các phẫu thuật viên khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học thực hiện tán sỏi cho người bệnh. Ảnh BVĐK Tâm Anh.

VTV.vn - Người bệnh 60 tuổi đi khám do sốt, đau thắt lưng, tiểu máu, bác sĩ BVĐK Tâm Anh phát hiện có nhiều sỏi bán san hô kích thước lớn ở thận phải.

Ông Thoa (Hà Nội) đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội thăm khám do sốt và đau vùng thắt lưng vào giữa tháng 11/2023. Tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ khám sàng lọc, chỉ định xét nghiệm, đánh giá nguy cơ và nguyên nhân gây bệnh. Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy đài bể thận phải có hình ảnh nhiều viên sỏi bán san hô, kích thước viên lớn nhất khoảng 3,5 x 2,5 cm. Xét nghiệm cấy khuẩn nước tiểu có vi khuẩn E.coli, đây là biến chứng của sỏi gây nhiễm khuẩn niệu. Theo nhiều thống kê, khoảng 50-70% bệnh nhân mắc sỏi thận có biến chứng nhiễm khuẩn niệu. Các chủng vi khuẩn phần lớn là nhóm vi khuẩn đường ruột.

PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học chẩn đoán người bệnh mắc sỏi bán san hô với nhiều viên ở thận phải có biến chứng nhiễm khuẩn niệu. Sau khi điều trị kháng sinh theo phác đồ, xét nghiệm nước tiểu âm tính với vi khuẩn, bác sĩ lựa chọn điều trị sỏi bằng phương pháp ít xâm lấn, ít đau: nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ.

Để thực hiện kỹ thuật tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, bác sĩ thiết lập đường hầm từ da ở vị trí vùng thắt lưng, chọc kim dưới hướng dẫn siêu âm, nong đường hầm nhỏ đến 18 Ch (chu vi 1,8 cm), đưa ống soi vào bể thận và từng đài thận phải. Sỏi được tán vụn bằng laser công suất cao. Toàn bộ các mảnh sỏi vụn được hút ra ngoài. Do sỏi nằm ở bể thận và nhiều viên nhỏ trong các đài thận nên phẫu thuật viên lựa chọn chọc vào đài giữa để vừa có thể tán sỏi, vừa đưa máy soi kiểm tra bể thận, đài thận, tránh sót sỏi sau tán.

Với nội soi tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, thủ thuật thực hiện trong khoảng 45 phút, bệnh nhân được đặt dẫn lưu thận và ống thông JJ. Sau 4 ngày người bệnh xuất viện và tái khám sau 1 tháng để rút ống thông JJ niệu quản. Người bệnh nên tái khám định kỳ vào 3 - 6 tháng.

Nhiều sỏi bán san hô lấp đầy thận người bệnh 60 tuổi - Ảnh 1.

Sỏi được tán vụn và hút ra ngoài bằng bơm áp lực dưới hướng dẫn siêu âm. Ảnh BVĐK Tâm Anh.

PGS Hinh cho biết, đầu thế kỷ II với sỏi san hô, bán san hô thường chỉ định phẫu thuật mở. Phương pháp xâm lấn kéo dài thời gian hồi phục, dễ gây tổn thương thận và các cơ quan lân cận. Nếu sỏi tái phát, những lần mổ mở sau sẽ khó khăn, tăng nguy chảy máu và biến chứng nguy hiểm đến tính mạng. Đến giữa và cuối thế kỷ XX, loại sỏi này được tán qua da đường hầm nhỏ tiêu chuẩn. Đường vào thận của phương pháp này rất lớn khoảng 28 Ch (chu vi 2,8 cm), gây tổn thương nhiều nhu mô thận và dễ xảy ra các tai biến, biến chứng.

Tại Hệ thống BVĐK Tâm Anh hiện nay, nhiều phương pháp ít xâm lấn điều trị sỏi thận được áp dụng, tùy vào từng trường hợp: vị trí, tính chất, kích thước của sỏi; thể trạng, bệnh nền của người bệnh… Các phương pháp ít xâm lấn được ưu tiên như tán sỏi qua da đường hầm nhỏ, nội soi niệu quản ngược dòng, nội soi ống mềm tán sỏi thận.

Nội soi tán sỏi đường hầm nhỏ là một trong những kỹ thuật hiện đại, nhiều ưu điểm như đường vào thận nhỏ nên ít nguy cơ tổn thương nhu mô thận, giảm tối đa nguy cơ tai biến, biến chứng chảy máu trong và sau mổ. Quá trình thực hiện nội soi có hướng dẫn siêu âm giúp bác sĩ và bệnh nhân không bị ảnh hưởng phóng xạ do tia X gây nên, cũng nhờ siêu âm để kiểm tra vị trí dụng cụ tán sỏi, hình thái thận và vị trí sỏi, phát hiện mảnh sỏi tán di chuyển nhằm hạn chế sót sỏi. Đồng thời phát hiện sớm và xử lý kịp thời nếu có các biến chứng tụ dịch quanh thận, tràn dịch ổ bụng nếu có.

Theo PGS Hinh, sỏi bán san hô nhiều viên như trường hợp của ông Thoa là một trong những dạng sỏi phức tạp vì ngoài kích thước lớn, rắn, các viên sỏi nhỏ nằm trong các đài thận nên thời gian tìm và tán các viên nhỏ có thể kéo dài, dẫn đến có thể xảy ra nhiều biến chứng như chảy máu, sót sỏi, hội chứng hấp thụ nước… nếu phẫu thuật viên không có nhiều kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật này.

Việt Nam nằm trong vùng vành đai sỏi thế giới do nhiều yếu tố nguy cơ. Yếu tố nguy cơ nội sinh bên trong cơ thể như người bệnh mắc các bệnh mạn tính dạ dày ruột, rối loạn chuyển hóa như cường giáp trạng, gout làm tăng axit uric máu, nhiễm khuẩn niệu dai dẳng tái phát nhiều… Yếu tố nguy cơ ngoại sinh bên ngoài tác động cũng có thể gây sỏi như như khí hậu nhiệt đới, uống không đủ nước, làm việc nhiều dưới ánh sáng mặt trời…

PGS Hinh khuyến cáo, người dân cần nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ hình thành sỏi nhằm giảm tỷ lệ mắc bệnh sỏi tiết niệu nói chung, định kỳ kiểm tra sức khỏe để phát hiện sớm và tránh biến chứng nguy hiểm. Sỏi thận nói chung có triệu chứng không đặc hiệu. Khi có các triệu chứng như đau thắt lưng, tiểu máu, sốt và ớn lạnh, nôn mửa, cảm giác nóng rát khi đi tiểu…, người bệnh cần thăm khám sớm. Siêu âm, chụp Xquang hay cắt lớp vi tính ổ bụng có thể phát hiện chính xác sỏi, tính chất sỏi để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Nhiều sỏi bán san hô lấp đầy thận người bệnh 60 tuổi - Ảnh 2.

Vào lúc 20h ngày 28/11, Hệ thống BVĐK Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Đánh tan sỏi thận". Livestream sẽ giúp quý vị có thêm thông tin y khoa hữu ích; vai trò của việc phát hiện sớm, chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả bệnh sỏi thận, tiết niệu; các phương pháp phòng ngừa giúp người dân giảm nguy cơ mắc bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm. Chương trình có các chuyên gia hàng đầu của hệ thống BVĐK Tâm Anh tham gia gồm: TTƯT.PGS.TS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu - Thận học, BVĐK Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh; PGS.TS.BS.CKII Trần Văn Hinh, Trưởng khoa Tiết niệu - Nam học và Thận học, BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Độc giả có thể gửi câu hỏi tại đây để được tư vấn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước