Nhiều nơi, tình trạng sạt lở diễn ra từ 3 năm nay, giờ bắt đầu lan rộng. Bãi tắm Thịnh Long, huyện Hải Hậu, từ những điểm bị sạt lở cách đây hơn 3 năm giờ khu vực này đã gần như tan hoang. Sóng biển đã đánh sập 1,8km kè biển.
Còn gần 200 mét kè biển ở khu sinh thái Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng cũng có dấu hiệu sạt lở từ năm 2015. Tuyến kè gần 2km này do huyện Nghĩa Hưng là chủ đầu tư với kinh phí xây dựng hơn 14 tỷ đồng để làm khu sinh thái nhưng kè xây xong 2 năm đã bắt đầu có dấu hiệu sạt lở.
Hầu hết các tuyến đê kè ven biển của tỉnh Nam Định đều không có rừng ngập mặn hoặc phi lao chắn sóng. Vì vậy, Nam Định đã phải gia cố bằng các giải pháp kỹ thuật như làm các mỏ neo chữ T để tránh sóng và gây bồi. Vẫn còn 16 km kè biển đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng.
Rất cần những giải pháp huy động nguồn lực tài chính, không chỉ đối với Nam Định mà còn đối với nhiều tỉnh thành ven biển trên cả nước. Bởi mùa mưa bão năm nay đã bắt đầu bằng cơn bão số 1 trong những ngày qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!