Dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài" tại Hà Nội đang được triển khai. Đây là căn biệt thự cổ còn nguyên nhiều giá trị kiến trúc lịch sử, được trùng tu để phát huy giá trị di sản đô thị.
Vừa qua, những hình ảnh về ngôi biệt thự với diện mạo mới đang được chia sẻ nhiều trên các trang tin, các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến về màu sắc của căn biệt thự này.
Sau 1 năm, nhà thầu thi công đã cơ bản hoàn thành việc cải tạo căn biệt thự 2 mặt tiền tại ngã tư Trần Hưng Đạo, Hàng Bài. Căn biệt thự đã có diện mạo mới so với trước với màu vàng và màu đỏ đậm.
"Em thấy nó hơi lòe loẹt. Em chê ạ", anh Nguyễn Anh Đức, người dân Hà Nội, nói.
"Cá nhân em thấy không đẹp như ban đầu", anh Đinh Nam Tú, người dân Hà Nội, cho biết.
"Anh thấy cũng đẹp, sửa sang lại trông nhìn sáng cái phố", anh Nguyễn Anh Tuấn, người dân Hà Nội, nêu ý kiến.
Ngôi biệt thự Pháp cổ tại Hà Nội ở thời điểm hiện tại. (Ảnh: VOV)
Anh Lê Ngọc Thắng, một người hàng ngày đi qua căn biệt thự này để đến nơi làm việc trong suốt gần 30 năm qua, đã có những cảm nhận về màu sơn của ngôi nhà.
"Như thế này là về hiện trạng cũ ban đầu, từ thời 30 năm anh về nó chưa đổ nát thì nó như thế này. Màu như này, cửa như này. Tất cả đều như này", anh Lê Ngọc Thắng, người dân Hà Nội, cho hay.
Theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, kế hoạch trùng tu, lựa chọn chất liệu, màu vôi đều đã được các tác giả và nhà kỹ thuật nghiên cứu công phu. Màu đỏ và vàng là màu sắc chủ đạo của các ngôi nhà Hà Nội trước những năm 70. Với màu đỏ có nguồn gốc từ khoáng chất tự nhiên, đất pouzelan từ những vùng trung du, nghiền sấy, phơi khô để ra màu đỏ.
"Đây là công trình người Pháp đem đến, mẫu mã, hình thức từ châu Âu. Nguyên gốc gồm xây gạch và đá. Ở Hà Nội, người ta dùng gỗ vôi và kẻ những viên gạch, dùng màu đỏ này để mô phỏng màu đỏ của gạch, không trát. Đây là mô phỏng và chúng ta có cảm giác tương tự", Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết.
Về màu sắc sơn mới, theo kiến trúc sư Huy Ánh, là do mới sơn và thời tiết ẩm những ngày qua khiến vôi cũng đậm màu hơn.
"Chỉ cần nắng chiếu tương quan ánh sáng ngoài công trình đã khác đi. Các phản ứng hóa chất sẽ làm màu sơn nhạt đi chút ít và cây xanh vào nữa, màu sắc tương phản đều có dụng ý, tất cả đều có dụng ý kiến trúc", Kiến trúc sư Huy Ánh cho biết thêm.
Hiện nay, UBND quận Hoàn Kiếm đã đưa thông tin tới báo chí: Các chuyên gia đang quét thử nghiệm một số màu vôi để chọn theo đúng màu gốc, đảm bảo tính chân xác tối đa cho công trình. Màu này chưa phải màu vôi chính thức. Dự kiến sau khi hoàn thành, căn biệt thự sẽ được phát huy giá trị, trở thành Trung tâm giao lưu văn hóa phố cũ của Hà Nội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!