Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh vừa có báo cáo UBND thành phố về việc lập dự án thu phí xe ô tô vào khu trung tâm quận 1, 3. Hệ thống thu phí sẽ được xây dựng bao quanh quận 1, quận 3, theo công nghệ thu phí đa làn không dừng.
Lý do đưa ra dự án là để kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, trong bối cảnh người dân, doanh nghiệp còn khó khăn sau dịch bệnh, thêm vào đó hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển đồng bộ nên còn nhiều băn khoăn về dự án này.
Mức phí đề xuất thấp nhất 40.000 đồng cho xe hơi và 70.000 đồng với xe tải, xe khách, bao gồm ô tô biển xanh. Xe bus và các loại xe ưu tiên như: xe cứu hỏa, xe cứu thương... sẽ được miễn phí. Xe taxi có đăng ký tại thành phố sẽ được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng/xe.
Mức phí ô tô vào trung tâm TP Hồ Chí Minh được tạm tính từ 40.000 đồng đến 70.000 đồng mỗi lượt. (Ảnh: Dân trí)
Theo nhiều người, việc thu phí và mức phí này trong thời điểm trước mắt là chưa phù hợp. Như với anh Ngọc (tỉnh Bình Dương), mỗi tuần thường xuyên chạy xe từ Bình Dương lên trung tâm TP Hồ Chí Minh 2 - 3 lần, nếu áp dụng thu phí, có thể sẽ gia tăng thêm gánh nặng kinh tế.
"Chi phí thì cũng phát sinh nhiều, gộp lại thấy nhiều. Cũng trở thành gánh nặng", anh Đặng Như Ngọc chia sẻ.
"Đề xuất này tôi thấy là không hợp lý. Nếu phương tiện công cộng thuận tiện thì nghe còn có lý, còn đây phương tiện giao thông công cộng cũng không thuận tiện", ông Lê Thanh Long (quận 1, TP Hồ Chí Minh) cho hay.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, nếu áp dụng việc đề xuất thu phí này có thể gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi theo quy định của Luật phí và lệ phí, người ta chỉ trả phí khi sử dụng một dịch vụ nào đó, còn nếu không sử dụng, tại sao lại trả phí.
"Tất cả các đơn vị hành chính quan trọng, nơi để tổ chức giao dịch kinh doanh, thương mại đều tập trung tại quận 1, quận 3. Nếu đã tổ chức như vậy thì tại sao lại hạn chế người ta vào. Người ta vào để giao dịch, kinh doanh, vậy tại sao lại thu phí. Phải chăng là do chúng ta quy hoạch sai. Nếu đơn vị nào cũng như Cục Thuế TP dời về TP Thủ Đức thì ai chạy vào trung tâm để đóng thuế", ông Phạm Ngọc Hưng, Luật sư, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến.
"Không khả quan, vì tình hình doanh nghiệp hiện nay cũng rất khó khăn. Nếu giờ thu phí thì sẽ tăng giá, tăng chi phí để cộng vào. Ví dụ như xe tải khi chở hàng hóa vào thì phải tăng thêm giá, như vậy người gánh cái phí này là người dân. Cuối cùng doanh nghiệp đóng thuế dựa vào đâu, dựa vào nguồn thu. Nếu làm vậy thì nguồn thu của doanh nghiệp sẽ hạn chế hơn", Tiến sĩ Lê Bá Chí Nhân, Giảng viên Đại học Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh, nhận định.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thu phí này khó đạt được mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân vào khu trung tâm thành phố, bởi đa phần mọi người vào khu vực trung tâm khi có việc cần thiết, bắt buộc phải đi; muốn hạn chế, thay vì thu phí có thể có những quy hoạch giao thông lại phù hợp hơn, vừa không tạo gánh nặng kinh tế cho người dân, doanh nghiệp; vừa đạt được mục tiêu TP Hồ Chí Minh đề ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!