Những điểm nóng giao thông theo kiểu ‘điền vào chỗ trống’ ở Hà Nội

Hải Phương-Thứ sáu, ngày 05/08/2022 12:30 GMT+7

VTV.vn- Ở Hà Nội, tình trạng ùn tắc vào giờ cao điểm đã thành chuyện “cơm bữa”. Các phương tiện nối đuôi, chen lấn cố nhích từng centimet ở lòng đường, thậm chí len lỏi lên vỉa hè.

Ghi nhận của PV vào buổi sáng thời tiết khá thuận lợi, trên tuyến đường Nguyễn Trãi hướng ra ngã tư giao với Khuất Duy Tiến (quận Thanh Xuân), lượng phương tiện lưu thông rất lớn đã gây ra tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Nếu như trước đây, tắc đường chỉ xảy ra trong khung giờ cao điểm đi làm và tan tầm, thì hiện tại, tình trạng này có thể kéo dài đến 10h trưa, thậm chí là đầu giờ chiều và rồi đến giờ tan tầm lại tiếp tục tắc.

Trên tuyến đường Kim Mã, đoạn ngã tư giao với Liễu Giai (quận Ba Đình), ô tô, xe máy, xe đạp chen chúc nhau "điền vào chỗ trống" khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Chỉ cần chiếc xe phía trước dừng lại cũng đủ khiến cho dòng xe phía sau tắc nghẽn rất khó có thể di chuyển tiếp được.

Ngay từ 6h sáng, tại nút giao Mai Dịch (quận Cầu Giấy), các phương tiện giao thông lớn như xe tải thường xuyên lưu thông khiến các phương tiện còn lại phải luồn lách, lấn làn của nhau. Đường vốn đã tắc nay càng tắc thêm.

Anh Bùi Văn Quy (30 tuổi, nhân viên giao hàng) chia sẻ: "Tắc đường ảnh hưởng nhiều cuộc sống của tôi, đặc biệt về mặt kinh tế vì tôi phải giao đồ ăn thật nhanh cho khách. Lần tắc đường lâu nhất tôi phải đợi 45 phút mới đi được. Mới đầu sống ở Hà Nội gặp phải tắc đường thì tôi cảm thấy hơi khó chịu, nhưng lâu dần phải sống chung với tắc đường Hà Nội chứ biết làm thế nào".

Những điểm nóng giao thông theo kiểu ‘điền vào chỗ trống’ ở Hà Nội - Ảnh 1.

Đướng Nguyễn Trãi hướng về ngã tư giao với Khuất Duy Tiến vào một buổi sáng.

Hoặc ở nút giao Liễu Giai - Đào Tấn, vào các khung giờ cao điểm, người dân thường phải mất vài nhịp đèn giao thông để thoát khỏi ngã 4 này. Sau đó, các tài xế có nguy cơ tiếp tục gặp phải khu vực ùn tắc tiếp theo là đường Kim Mã.

Theo Sở GTVT Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 39 nút giao thông có nguy cơ ùn tắc cao, ví dụ như: cầu vượt và nút giao Nguyễn Chí Thanh - Láng, nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3, đường Trường Chinh - Minh Khai, đường BT Nguyễn Xiển - Xa La,…

Sở GTVT Hà Nội đưa ra hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông.:

Trước hết là cơ sở hạ tầng giao thông của Hà Nội còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng với sự gia tăng quá nhanh của các phương tiện và việc tổ chức giao thông cũng chưa thật hợp lý.

Thứ hai, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân còn kém, đường hẹp, xe đông nhưng người tham gia giao thông vẫn cố tình chen lấn, không ai chịu nhường ai, dẫn đến ùn tắc.

Tắc đường ở Hà Nội vẫn là một câu chuyện dài và chưa có điểm kết thúc. Dù đã đưa ra nhiều giải pháp, nhưng vẫn chưa xử lý được triệt để. Hậu quả, từ một đoạn đường đáng lẽ ra chỉ đi mất 20-25 phút nhưng người dân phải đi mất hàng tiếng đồng hồ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước