Những điều người dân cần biết để phòng tránh, ứng phó khi xảy ra giông lốc

Hoa Quỳnh, Hoài Nam-Thứ bảy, ngày 08/04/2023 18:25 GMT+7

VTV.vn - Gần đây đã xảy ra hàng loạt trận mưa trái mùa kèm theo giông lốc ở cả Tây Nguyên và Nam Bộ, gây thiệt hại về người và tài sản.

Tháng 4, hầu khắp cả nước đều bước vào mùa giông lốc khi thời tiết giao mùa. Đặc biệt, ở phía Nam, vào cuối mùa khô, những cơn mưa trái mùa xuất hiện sau chuỗi ngày nắng nóng kéo dài rất dễ kèm theo các hiện tượng cực đoan.

Ngày 6/4, mưa lớn kèm theo lốc xoáy đã làm sập hàng chục căn nhà, trụ điện, hư hỏng nhiều diện tích sầu riêng, mắc ca, cà phê, chanh dây tại huyện Bảo Lâm, Di Linh của tỉnh Lâm Đồng và huyện Đắk Song, Đắk Mil của tỉnh Đắk Nông.

Những điều người dân cần biết để phòng tránh, ứng phó khi xảy ra giông lốc - Ảnh 1.

Riêng ngày 4/4 mưa lớn kèm lốc xoáy đã xảy ra ở nhiều tỉnh, thành. Tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng, nhiều cây cối bị gãy đổ và nhà cửa bị tốc mái. Tình trạng này cũng xảy ra tại huyện Định Quán, Đồng Nai vào chiều cùng ngày. Đặc biệt, tại phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, mưa giông khiến một cây xanh bị đổ làm đứt đường dây điện 3 pha. Không may, một người bị thương và 3 người khác tử vong do điện giật.

Trước đó, tối 30/3, tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước, nhiều căn nhà bị hư hỏng nặng, hàng ngàn cây cao su với tuổi đời từ 10-30 năm bị gãy đổ và 5 trụ điện cao thế gãy ngang, mất điện trên diện rộng sau trận mưa giông mạnh.

Huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào trưa 2/4 xuất hiện cơn lốc xoáy khiến rạp đám cưới của một gia đình bị thổi tung. Rất may, vụ việc không có ai bị thương.

Theo thống kê, hiện tượng giông lốc ở phía Nam có tần suất xảy ra nhiều nhất cả nước. Trung bình 1 năm, Tây Nguyên và Nam Bộ có trên 100 ngày có giông. Thậm chí ở khu vực Đắk Nông, Lâm Đồng, miền Đông Nam Bộ, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và Cà Mau, Kiên Giang có tới 130-180 ngày có giông.

Người dân cần phải làm gì để phòng tránh hiện tượng giông lốc?

+ Khi thấy một cơn giông mạnh với mây đen kịt trời kèm theo gió thổi lạnh, người dân không nên ở ngoài trời. Nếu đang đi đường hãy nhanh chóng tìm nơi tránh trú kiên cố.

+ Tuyệt đối không trú dưới gốc cây, chú ý quan sát khi đi qua các cung đường có nhiều cây xanh đề phòng cây gãy đổ, bật gốc.

+ Nên tìm các bãi trống đỗ xe an toàn, không nên đỗ xe trên các tuyến đường có nhiều cây xanh sẽ rất nguy hiểm.

+ Trước cao điểm mùa giông lốc, các đơn vị chuyên trách cũng nên tăng cường kiểm tra, chặt tỉa cành, nhánh cây cao dễ gãy đổ để đảm bảo an toàn.

+ Người dân các địa phương có nhà không kiên cố bằng mái ngói, mái tôn hay fibro xi măng nên khẩn trương gia cố bằng các bao cát hoặc dây chằng đề phòng nguy cơ bị tốc mái.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước