Những hệ lụy khi giới trẻ sống lệch múi giờ, làm việc thâu đêm

Giang Châu, Mạnh Hùng-Thứ năm, ngày 05/10/2023 14:47 GMT+7

VTV.vn - Không ít người trẻ hiện nay có thói quen làm việc tới tận khuya, thậm chí thức trắng đêm khiến đồng hồ sinh học của cơ thể bị thay đổi.

Nhiều bạn trẻ sống lệch múi giờ, làm việc về đêm

"Overnight" hay còn hiểu là thức thâu đêm có lẽ không còn quá xa lạ với nhiều người, đặc biệt là với các bạn trẻ. Mặc dù đêm là khoảng thời gian chúng ta cần nghỉ ngơi, lấy lại năng lượng sau một ngày dài, thế nhưng, không ít người trẻ thường xuyên làm việc tới tận khuya, thậm chí là thức trắng đêm. Việc kéo dài tình trạng này dẫn đến sự thay đổi đồng hồ sinh học của cơ thể, làm thay đổi các thói quen sinh hoạt hàng ngày như ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi giải trí…

Đam mê nhiếp ảnh, một bạn trẻ quyết định vừa đi học vừa đi làm để tích lũy kinh nghiệm, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Bởi vậy, việc thức đêm diễn ra thường xuyên. Với những bạn trẻ làm công việc sáng tạo nội dung, để tạo ra một sản phẩm chất lượng không chỉ đòi hỏi chất xám, mà còn cần đánh đổi về mặt thời gian.

Những hệ lụy khi giới trẻ sống lệch múi giờ, làm việc thâu đêm - Ảnh 1.

Trước nhu cầu tìm kiếm địa điểm để làm việc, học tập tới tối muộn của các bạn trẻ, nhiều quán cà phê với hình thức mở cửa 24/24 cũng ngày một phổ biến.

Học sinh, sinh viên thì thức đêm để học bài - làm thêm, người đi làm thức đêm vì công việc. Dù là lý do gì thì việc đảo lộn giờ sinh học cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sức khỏe.

Những hệ lụy về sức khỏe khi sống lệch múi giờ

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, tình trạng làm việc vào ban đêm kéo dài có thể gây ra các tác hại như: mất ngủ, ngủ không sâu giấc, mệt mỏi, làm giảm năng suất lao động, dễ nóng nảy, cáu bẳn. Thức khuya hay ngủ ít có thể dẫn tới tăng cân theo chiều hướng tiêu cực, gây thêm nguy cơ mắc các bệnh do rối loạn chuyển hóa, bệnh đau dạ dày, tiểu đường, tăng huyết áp…

Cài đặt lại đồng hồ sinh học để đảm bảo sức khỏe

Trong thời đại chất lượng sức khỏe ngày được quan tâm thì việc chủ động nhận biết tình trạng sức khỏe của bản thân để có những phương án điều chỉnh phù hợp là điều vô cùng quan trọng. Việc thay đổi lại hoàn toàn thói quen sinh hoạt là rất khó khăn nhưng không có điều tốt đẹp nào mà lại đến dễ dàng.

Những hệ lụy khi giới trẻ sống lệch múi giờ, làm việc thâu đêm - Ảnh 2.

Không chỉ nghe hàng trăm cuộc điện thoại, trung bình mỗi ngày, chỉ riêng bác sĩ Huệ ở Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân, trong đó hơn 50% bệnh nhân gặp các vấn đề liên quan đến stress, rối loạn giấc ngủ.

Trong thời gian ôn thi đại học, Khánh Minh (trường Đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội) thường xuyên học bài thâu đêm và quay video lên YouTube để truyền cảm hứng học tập cho các bạn. Thế nhưng khi nhận ra những hậu quả như mệt mỏi, chịu áp lực kém, Khánh Minh đã quyết tâm thay đổi để trở lại nhịp sống sinh học bình thường, dù điều này không hề dễ dàng.

Những hệ lụy khi giới trẻ sống lệch múi giờ, làm việc thâu đêm - Ảnh 3.

Không thể phủ nhận rằng tuổi trẻ là khoảng thời gian quý báu để sáng tạo, cống hiến, kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm nhưng mỗi người cũng cần lưu ý xây dựng một kế hoạch sinh hoạt lành mạnh, vì sức khỏe tốt chính là nền tảng để tiếp tục hành trình thực hiện những ước mơ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước