Từ khi liên kết với nhà máy sản xuất theo mô hình cánh đồng mía lớn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đến nay, ông Đinh Văn Thịnh đã phát triển được 14 ha với năng suất mía đạt hơn 100 tấn/ha. Lợi nhuận thu được từ cây mía hàng năm trên 1 tỷ đồng nên người đàn ông Bana này đã đầu tư mua được 3 xe tải chở mía.
Ông Thịnh cho biết: ''Nhà máy có chính sách ưu đãi, bao giá đường, thu hoạch máy, không phải đo đường. Xưa mình thuê xe ngoài chở mía, không kịp thời vụ nên gia đình quyết tâm sắm xe vận chuyển cho bà con tiến độ thu hoạch kịp thời vụ hơn''.
Từ các phong trào thi đua lao động sản xuất, tại các buôn làng Tây Nguyên giờ đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình người dân tộc thiểu số vươn lên trở thành tỷ phú. Ở địa bàn vùng cao Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, hơn 10 năm qua, cùng với việc tham gia nhận khoán giữ rừng, trồng sâm cho doanh nghiệp, ông A Chen còn phát triển được gần cả ngàn gốc sâm Ngọc Linh trị giá hàng tỷ đồng.
''Nhờ công ty hỗ trợ tôi sâm Ngọc Linh và anh em đi làm có việc làm lương hàng tháng, hỗ trợ cây giống. Riêng gia đình tôi cũng được 800 - 900 gốc sâm Ngọc Linh. Tôi mong sau này thành tỷ phú nhờ phát triển sâm Ngọc Linh'', ông A Chen, làng Chung Tam, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông chia sẻ.
Những mùa vàng, mùa quả ngọt trên vùng đất đỏ bazan hôm nay có dấu ấn không nhỏ của những tỷ phú chân đất người dân tộc thiểu số. Họ còn lan tỏa tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu, hỗ trợ đồng bào vùng sâu Tây Nguyên phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại và bền vững.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!