Vào lúc 20h ngày 13/10/2022, chương trình tư vấn trực tuyến "Nội soi tán sỏi - hiện đại, không đau, sạch sỏi", do Đài truyền hình Việt Nam phối hợp với Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có sự tham gia của 3 chuyên gia: TS.BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh; ThS.BS Nguyễn Tân Cương - Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh và BSNT.CKI Châu Minh Duy - Khoa Tiết niệu, Trung tâm Tiết niệu Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.Hồ Chí Minh.
Theo thống kê của Bộ Y tế, 14% dân số Việt Nam có sỏi đường tiết niệu. Nguyên nhân là do nước ta thuộc vùng nhiệt đới nên bị mất nước nhiều. Thành phần nước uống cũng có một số các chất khoáng nhiều hơn gây ra sỏi. Sỏi có thể có mặt ở khắp nơi trong hệ tiết niệu như thận, niệu quản hay bàng quang và có những nơi đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, nguy cơ lớn nhất của sỏi là làm tắc nghẽn đường tiết niệu, tăng áp lực bên trong lòng của hệ bài xuất nước tiểu và gây ra suy thận. Nguy cơ thứ hai là sỏi có thể gây nhiễm khuẩn hiệu. Nếu nhiễm khuẩn niệu nặng, thận có thể bị hư hoặc vi khuẩn từ đường tiết niệu đi vào máu gây nhiễm khuẩn máu, nguy hiểm đến tính mạng.
Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Đức cho biết, hầu hết các viên sỏi có kích thước nhỏ 4-5 mm, không có triệu chứng thì không cần điều trị.
Với câu hỏi về tình trạng "tiểu buốt và rát, nước tiểu có màu hơi ngả hồng có phải là do sỏi thận không", TS.BS Nguyễn Hoàng Đức cho biết, với những thông tin được cung cấp, bác sĩ hướng về sự chú ý đầu tiên và đơn giản nhất về tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Cụ thể là nhiễm khuẩn tại bàng quang hoặc niệu đạo. Nước tiểu ngả hồng tức là tiểu máu. Nguyên nhân có thể do nhiễm khuẩn hoặc một viên sỏi đường tiết niệu gây ra. Bác sĩ Hoàng Đức khuyến cáo người bệnh nên đến bệnh viện chuyên khoa để được siêu âm hệ tiết niệu, xét nghiệm nước tiểu… Từ đó có hướng điều trị phù hợp.
Thắc mắc của khán giả Thảo Lê Xuân về "kích thước sỏi thận 0,4 mm có thể tán được không và các loại bảo hiểm áp dụng tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh", Tiến sĩ Hoàng Đức cho rằng chưa cần phải can thiệp. Trước mắt, người bệnh nên điều trị nội khoa bảo tồn kèm với uống nhiều nước, để lượng nước tiểu thải ra tối thiểu là 1,5 lít. Xây dựng chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất xơ, vitamin C, tránh ăn mặn vì muối có thể làm rối loạn quá trình hấp thu và chuyển hóa natri, canxi thúc đẩy sỏi lắng đọng.
Tiến sĩ Hoàng Đức nói thêm, tuy không phải là tất cả các trường hợp viên sỏi có kích thước 4-5 mm đều không cần điều trị. Với những người có công việc đặc thù như phi công, khi gặp tình trạng này bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc lấy viên sỏi ra để tránh cơn đau quặn thận ảnh hưởng đến sức khỏe của họ và sự an toàn của nhiều người khác. Lúc đó, người bệnh sẽ được tán sỏi bằng ống soi mềm, gắp viên sỏi 4 mm ra ngoài một cách nhẹ nhàng. Tại Hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi như tại tất cả các bệnh viện công lập và ngoài công lập khác.
Bác sĩ Nguyễn Tân Cương tư vấn trong chương trình "Nội soi tán sỏi - hiện đại, không đau, sạch sỏi"
Với câu hỏi về ảnh hưởng của sỏi thận đến thai kỳ của khán giả Hà Phạm, ThS.BS Nguyễn Tân Cương cho biết, trường hợp sỏi nằm ở thận và không có triệu chứng, không gây ứ nước sẽ không ảnh hưởng đến em bé. Một số trường hợp viên sỏi bắt đầu di chuyển rớt xuống niệu quản sẽ có những cơn đau quặn thận rất dữ dội và có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, sức khỏe của em bé hoặc có hiện tượng nhiễm trùng ở trong đường tiểu, cần phải điều trị sớm. Thời điểm thích hợp để xử lý sỏi là 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu viên sỏi được phát hiện ở giai đoạn sớm, tức là 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa, thông thường bác sĩ sẽ đặt ống thông tiểu để giải quyết sự tắc nghẽn. Ở giai đoạn muộn hơn, thai phụ có thể được đặt ống thông tiểu hoặc tán sỏi bằng laser. Phương pháp này an toàn và hiệu quả.
Bác sĩ Châu Minh Duy khuyến cáo người bệnh nên đi xét nghiệm để đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe, nếu có biểu hiện viêm đường tiểu dưới.
Trả lời cho câu hỏi của khán giả Hồng Phúc về việc "tự mua thuốc viêm đường tiểu uống hơn, sau 1 tuần vẫn có cảm giác đau rát, hơi ngứa và ê nhẹ", BSNT.CKI Châu Minh Duy cho rằng đã khám và điều trị cho rất nhiều trường hợp người bệnh có những triệu chứng đường tiểu dưới đơn giản như là tiểu rắt, tiểu buốt thôi đã nghĩ là bị nhiễm trùng tiểu và tự mua thuốc uống. Sau 3-5 ngày uống thuốc, bệnh có thể tự khỏi, nhưng bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên đi xét nghiệm để tầm soát xem ngoài nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bản thân có mắc những bệnh lý khác như viêm niệu đạo do các bệnh lý lây qua đường tình dục… để có phương án điều trị thích hợp.
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Đức nhắn nhủ, sỏi tiết niệu là một vấn đề khá phổ biến nhưng người bệnh cũng không nên lo sợ. Bởi nếu có những viên sỏi cần phải can thiệp lấy ra khỏi cơ thể thì hiện nay các bác sĩ đã có những biện pháp điều trị rất hiện đại, nhẹ nhàng. Điều quan trọng là mỗi người đừng chờ đến khi có triệu chứng sỏi mới đi thăm khám và điều trị. Chủ động phát hiện sớm khi viên sỏi càng nhỏ thì điều trị càng nhẹ nhàng, ít tốn kém. Uống nhiều nước sẽ an toàn cho những người chưa có sỏi và có thể có sỏi trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!