Để có những dòng tin, bức ảnh chân thực, hàng trăm phóng viên đã xông pha cùng với các cánh quân trên chiến trường. 49 năm sau ngày thống nhất đất nước, những hồi ức của họ gợi lại của quãng thời gian tác nghiệp đầy khó khăn nhưng rất đáng tự hào.
Chàng trai đang dắt chiếc xe máy vượt đèo Hải Vân trong tấm ảnh là nhà báo Trần Mai Hưởng. 23 tuổi, ông xin dừng học để vào Nam làm phóng viên chiến trường. Không ngại hiểm nguy, bám sát các mũi tấn công chủ lực, ông đã chứng kiến những ngày tháng hào hùng của dân tộc và có mặt tại Sài Gòn trong mùa xuân lịch sử.
Sau 30 năm chờ đợi, niềm vui vô bờ bến ngày giải phóng được cập nhật kịp thời trên các số đặc biệt của Báo Nhân Dân ngày ấy. Những nội dung sôi động, phản ánh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã đến được với đồng bào cả nước.
Báo Phụ nữ Việt Nam ở thời điểm đó cũng liên tục đăng tải nhiều bài viết, bài thơ, hình ảnh ghi lại cảm xúc của người dân cả nước vui mừng chiến thắng. 49 năm sau ngày thống nhất đất nước, các phóng viên thời điểm ấy vẫn cảm thấy hạnh phúc khi những gì họ ghi lại ngày ấy không chỉ là quá khứ mà còn trở thành một phần trong hành trình đất nước hướng tới tương lai.
"Những người cầm bút và cầm máy là người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn, giúp cho bạn đọc các thế hệ sau này vững lòng trong hành trình hướng tới tương lai", nhà báo Trần Mai Hưởng, phóng viên chiến trường, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cho biết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!