Trong khi ở nội thành Hà Nội siết chặt việc kiểm soát các vùng đỏ để ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì tại các vùng vàng, vùng xanh ở ngoại thành, công tác phòng dịch không hề lơ là.
Là một trong những địa phương chưa xuất hiện bất cứ trường hợp F0 nào kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thị trấn Vân Đình thuộc huyện Ứng Hòa đã có nhiều biện pháp để vừa giữ vững vùng xanh, vừa nới lỏng dần từng bước để chuẩn bị khôi phục sản xuất
Ngoại thành Hà Nội giữ vững vùng xanh
Đều đặn vào 5h hàng ngày, tổ chốt trực phòng dịch của ông Trịnh Văn Đa - thị trấn Vân Đình - huyện Ứng Hòa - Hà Nội lại có mặt ở cổng làng Thanh Ấm để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng xanh. Dù trong làng có tới 120 hộ với hơn 500 nhân khẩu nhưng bất cứ ai qua chốt, dù chưa cần khai báo thì thành thành viên trong tổ cũng đã biết có phải người làng hay không. Việc huy động hàng trăm tình nguyện viên tham gia tổ phòng chống COVID cộng đồng để bảo vệ chính nơi mình sinh sống là cách để thị trấn Vân Đình giữ vững vùng xanh từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay.
Cùng với 51 chốt bảo vệ vùng xanh được đặt ở tất cả các ngõ xóm, 32 chốt cứng cũng được thiết lập, rào chắn tất cả những lối đi không thiết yếu. Lực lượng công an tiến hành tuần tra liên tục để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.
Trung tá Tạ Quốc Khánh - Trưởng Công an thị trấn Vân Đình - huyện Ứng Hòa - Hà Nội cho biết: "Từ ngày 24/7 đến nay, chúng tôi đã tuần tra kiểm soát, tham mưu UBND thị trấn xử phạt 115 trường hợp vi phạm quy định giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang nơi công cộng".
Lực lượng chức năng thị trấn Vân Đình kiểm tra xử lý trường hợp vi phạm trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: Báo Kinh tế & Đô thị.
Từ khi Hà Nội bùng phát dịch bệnh đến nay, trên địa bàn thị trấn Vân Đình chưa xuất hiện bất cứ trường hợp F0 nào. Dù nằm trong vùng xanh của huyện Ứng Hòa và bắt đầu thực hiện Chỉ thị 15+ của Chính phủ từ ngày hôm nay, tuy nhiên theo lãnh đạo thị trấn thì việc tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh vẫn được tiến hành liên tục.
Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp bảo vệ vùng xanh, việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên cũng được trạm y tế thị trấn triển khai liên tục. Tính đến thời điểm hiện tại đã tiêm được hơn 3.000 liều vaccine phòng COVID 19 an toàn tuyệt đối. Hơn 700 triệu đồng và các nhu yếu phẩm cũng đã được chính quyền địa phương trao tặng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong đại dịch.
Không chỉ Hà Nội mà các tỉnh thành khác cũng nỗ lực bảo vệ vùng xanh an toàn cho người dân. Nhằm bảo vệ các khu công nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Bắc Ninh - nơi từng là điểm nóng về COVID-19, đã duy trì nhiều giải pháp chống dịch thường xuyên và linh hoạt. Trong đó, nổi bật là chủ trương đồng ý cho doanh nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ngay tại nhà máy. Cách làm này đã và đang cho thấy hiệu quả trong việc bảo vệ thành quả chống dịch.
Bắc Ninh nỗ lực bảo vệ "vùng xanh" tại các khu công nghiệp
Thực hiện mục tiêu kép vừa sản xuất vừa chống dịch, từ tháng 8/2021, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã cử các tình nguyện viên đi học lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 do CDC Bắc Ninh tổ chức. Từ đó có thể triển khai xét nghiệm thường xuyên ngay tại nhà máy cho công nhân lao động. Việc làm này không những giảm thiểu áp lực cho ngành y tế mà còn chủ động giúp các công ty sàng lọc, phát hiện sớm các ca bệnh.
Mỗi tuần, tỉnh Bắc Ninh yêu cầu tối thiểu 20% số lao động trong các doanh nghiệp phải được xét nghiệm COVID-19. Do vậy, việc doanh nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân ngay tại công ty vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch, vừa giúp các nhà máy công nghiệp giảm tối đa chi phí.
Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Công ty GoerTech Vina, Khu Công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh - cho biết: "Bây giờ áp lực của ngành y tế rất lớn, việc doanh nghiệp tự chủ động lấy mẫu giải quyết rất nhiều những áp lực cho ngành y tế. Ngoài ra mang lại lợi ích kinh tế, khi chúng tôi tự triển khai lấy mẫu test nhanh, chi phí này giảm đến 60%. Từ việc chi phí giảm như thế này, chúng tôi có thêm kinh phí xét nghiệm hàng tuần".
Dịch COVID-19 từng gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, song với những giải pháp đồng bộ, kịp thời, linh hoạt, cùng sự nghiêm túc chấp hành quy định phòng dịch của các doanh nghiệp và người lao động, tỉnh Bắc Ninh đang duy trì tốt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa giữ vững chuỗi cung ứng sản xuất.
Long An di dời dân vùng đỏ sang vùng xanh để giảm lây nhiễm
Giống như Bắc Ninh, tỉnh Long An cũng có hàng nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Cụ thể địa phương này có 14.000 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở vùng đỏ nên nguy cơ lây nhiễm tại các khu nhà trọ chật hẹp là rất lớn. Để làm xanh trở lại các khu dân cư trong vùng đỏ, tỉnh Long An đã tiến hành di chuyển người dân từ vùng đỏ về vùng xanh.
Dự kiến có khoảng hơn 1.000 người tại các khu nhà trọ của huyện vùng đỏ sẽ được chuyển đến khu cách ly tập trung tại huyện vùng xanh. Sau khi công nhân được di chuyển về vùng xanh, các đơn vị tham gia phòng chống dịch bệnh sẽ tiến hành phun xịt, khử khuẩn tại các khu vực nhà trọ cũ của công nhân. Sau 7 - 10 ngày, khi khu nhà trọ được khử khuẩn, công nhân sẽ được trở lại nơi trọ cũ. Theo Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tỉnh Long An, trước khi di chuyển, người dân được test sàng lọc để tránh nguy cơ lây nhiễm từ vùng đỏ sang vùng xanh. Trong suốt thời gian tại khu cách ly, người dân cũng được chăm lo đầy đủ về an sinh xã hội. Mục tiêu là tháng 10 công nhân sẽ được đi làm trở lại.
Mỗi địa phương đều đang theo dõi chặt chẽ từng bước trong công tác phòng chống dịch. Ở những vùng an toàn, nới lỏng giãn cách theo lộ trình nhằm giúp đời sốn người dân quay trở lại trạng thái bình thường mới cũng được lên kế hoạch. Như tại tỉnh Khánh Hòa, dự kiến, sau ngày 8/9 sẽ nới lỏng giãn cách theo lộ trình. Để chuẩn bị cho việc này, kể tử một tuần nay, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định tăng thêm các chợ dã chiến theo mô hình "đưa chợ ra phố" để kịp thời cung ứng hàng hóa đến người dân ở "vùng xanh", nhưng vẫn đảm bảo phòng dịch. Đây cũng là cách để tạo thói quen sinh hoạt "bình thường mới" cho người dân.
Chợ ở vùng xanh - từng bước nới lỏng giãn cách theo lộ trình
Đến chợ là để mua thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày. Nhưng, điều quan tâm đầu tiên đối với bất cứ ai khi vào khu chợ này không phải thực phẩm nhiều hay ít, tươi hay không mà chính là làm sao để đảm bảo an toàn.
Giữ khoảng cách 2m, tiền trao đi, hàng hóa gửi lại, trước khi nhận, không ai quên khử khuẩn. Tất nhiên, để bước chân vào khu chợ, người bán và người mua qua xét nghiệm phải có kết quả âm tính với SARS-CoV-2.
Khu chợ nằm trên một đoạn đường giữa phố ở phường Phương Sài, thành phố Nha Trang. Một lối vào, một lối ra nên kiểm soát được người đi chợ.
Do thời gian giãn cách kéo dài, trong khi đó, dạng thức đi chợ thay thông qua các tổ cứu trợ lại đang gặp quá tải nên tỉnh Khánh Hòa đã quyết định tăng thêm các chợ dã chiến theo mô hình đưa chợ ra phố. Chỉ người dân ở vùng xanh mới được phát phiếu đi chợ 3 ngày/1 lần.
Cũng là mua bán như chợ truyền thống nhưng chợ dã chiến tại vùng xanh lại có nhiều khác biệt. Khác biệt đầu tiên mọi người đến chợ tuân thủ nguyên tắc 5K. Hàng hóa được niêm yết giá hẳn hoi để mua bán được nhanh chóng và cũng để kiểm soát giá cả.
Những lời nhắc nhở liên tục đưa ra nên chỉ sau vài buổi chợ, khu chợ đã tạo được nếp quen mới đối với mọi người.
Dẫu là chợ tạm nhưng nhiều ý kiến cho rằng, nếp quen phòng dịch thì không thể là tạm thời. Điều này chắc chắn cần được tuân thủ, ngay cả khi quay về nếp sống bình thường mới tại những vùng xanh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!