Lô vaccine đã về Việt Nam sáng nay. Ảnh: Báo Nhân Dân điện tử.
11h trưa nay (24/2), chuyến bay lịch sử chuyển gần 118.000 liều vaccine phòng ngừa COVID-19 AstraZeneca đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là những liều vaccine đầu tiên được nhập về Việt Nam theo hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine COVID-19 giữa hệ thống tiêm chủng VNVC và AstraZeneca.
Ông Nitin Kapoor - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam - cho hay: "Chúng tôi trân trọng biết ơn chiến lược tiếp cận vắc xin chủ động và sự tin tưởng của Chính phủ Việt Nam và Bộ Y tế đã tạo điều kiện cho lô vắc xin có thể sớm có mặt tại Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, Bộ Y tế và VNVC để cung cấp vắc xin cho người dân nhanh chóng và an toàn nhất có thể".
Hiện vaccine COVID-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành tại hơn 50 quốc gia và được Tổ chức Y tế Thế giới kiểm định về chất lượng.
Kết quả từ thử nghiệm lâm sàng cho thấy, từ thời điểm 22 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên, vaccine của AstraZeneca giúp bảo vệ tối đa khỏi bệnh nặng, nhập viện và tử vong do COVID-19. Các phân tích cũng cho thấy, vaccine có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền virus không triệu chứng.
Trước khi lô vaccine COVID-19 của AstraZeneca về Việt Nam, VNVC đã đầu tư hệ thống kho lạnh đảm bảo các điều kiện để lưu trữ, từ nhiệt độ thông thường đến nhiệt độ âm sâu.
Bà Vũ Thu Hà - Giám đốc Cung ứng Hệ thống VNVC - cho hay: "Chúng tôi đã kiểm tra dữ liệu của lô vaccine này trong quá trình sản xuất và vận chuyển, vaccine sẽ được đưa về kho lạnh chuyên dụng của VNVC và AstraZeneca để thực hiện các thủ tục theo quy định của Chính phủ và Bộ Y tế".
Cũng tại lễ đón lô vaccine sáng 24/2, Tổng Lãnh sự quán Anh tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Chính phủ Anh là một trong những nhà bảo trợ chính của tổ chức Covax và đang cố gắng đưa được vaccine tới tất cả các nước trên thế giới.
Bên cạnh hợp đồng đặt mua 30 triệu liều vaccine từ AstraZeneca, dưới sự hướng dẫn và hỗ trợ của Bộ Y tế, VNVC tiếp tục đàm phán để mua thêm vaccine COVID-19 phục vụ người dân Việt Nam; VNVC cũng chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để triển khai tiêm loại vaccine đặc biệt này.
Vaccine có hiệu lực bảo vệ cao. Ảnh: Báo Nhân Dân điện tử.
Các nguồn vaccine của Việt Nam
Cụ thể hơn thì dự kiến ngay đầu tháng 3 tới, chúng ta bắt đầu triển khai tiêm vaccine AstraZeneca. Nhưng đây chỉ là một trong những nguồn vaccine mà Việt Nam sẽ có. Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ sáng nay (24/2), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Việt Nam đảm bảo đủ vaccine để cung cấp cho người dân.
Vaccine COVID-19 mà Việt Nam sẽ có được trong năm 2021 đến từ các nguồn:
Thứ nhất, nguồn của COVAX Facility. Bộ Y tế đang nỗ lực đàm phán để trong năm 2021 có đủ 30 triệu liều từ nguồn này. COVAX Facility do Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu và Tổ chức Y tế Thế giới sáng lập để cung cấp vaccine COVID-19 cho 190 quốc gia, đảm bảo sự công bằng trong thụ hưởng vaccine. Việt Nam là một trong những quốc gia được COVAX hỗ trợ vaccine COVID-19.
Thứ hai là nguồn vaccine nhập khẩu bao gồm:
Vaccine của AstraZeneca. 30 triệu liều vaccine này được Bộ Y tế mua của AstraZeneca thông qua công ty VNVC. Lô đầu tiên đã về Việt Nam sáng nay.
Vaccine Sputnik V: Bộ Y tế đang tích cực đàm phán với đối tác Nga. Nhà sản xuất thông báo có thể cung ứng cho Việt Nam khoảng 60 triệu liều.
Vaccine Pfizer: Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán, khả năng trong năm 2021 Pfizer sẽ cung ứng cho Việt Nam khoảng 30 triệu liều. Bộ Y tế xin chủ trương huy động xã hội hóa cho việc tiếp cận nguồn vaccine này.
Ngoài ra, Bộ Y tế, các tập đoàn, công ty khác không kinh doanh trong lĩnh vực y tế cũng đang thúc đẩy đàm phán với các nhà sản xuất vaccine khác.
Thứ ba là nguồn vaccine sản xuất trong nước. Hiện Việt Nam đang tiến hành thử nghiệm trên người 2 loại vaccine COVID-19 là NANOCOVAX và COVIVAC.
Cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có vaccine COVID-19 trong nước trên thị trường
Để đảm bảo và chủ động nguồn vaccine phòng ngừa COVID-19 trong nước, ba nhà sản xuất vaccine của Việt Nam là: Nanogen, IVAC và Vabiotech cũng đã có những nỗ lực trong việc nghiên cứu và sản xuất.
Hiện vaccine Nano Covax đã kết thúc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, với kết quả tốt: an toàn và đã tạo ra phản ứng miễn dịch tốt, đặc biệt có hiệu quả đối với virus SARS-CoV-2 của 2 chủng chủng Vũ Hán và Anh.
Để rút ngắn thời gian, Hội đồng đạo đức Bộ Y tế đã quyết định hai đơn vị là Học viện Quân y và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đồng thực hiện thử nghiệm giai đoạn 2. Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An và Thái Bình; cuối tháng 3 sẽ tiêm mũi vaccine thứ 2 và đến cuối tháng 4 sẽ có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 để chuyển sang giai đoạn 3. Như vậy, sẽ rút ngắn thời gian xuống còn 3 tháng thay bằng 6 tháng như trước đây. Nếu có kết quả tốt tháng 5 sẽ thử nghiệm giai đoạn 3, với khoảng 30.000 người, việc thử nghiệm sẽ thực hiện tại một số nước có số ca mắc cao.
Đối với vaccine COVIVAC của IVAC đã hoàn thành việc tuyển người và đang hoàn thiện những công việc cuối cùng trước khi tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 120 đối tượng, chủ yếu là sinh viên Đại học Y Hà Nội. Dự kiến vào giữa tháng 3.
Vaccine của Vabiotech cũng đang hoàn thiện hồ sơ để xin thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Như vậy, đến cuối năm 2021 Việt Nam sẽ có vaccine phòng ngừa COVID-19 trên thị trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!