Quốc lộ 70 là tuyến đường nối các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai với nhau. Mặc dù lưu lượng xe trên tuyến không còn đông từ khi có cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhưng trong những ngày mưa bão vừa qua, đây là con đường quan trọng để các lực lượng tổ chức cứu trợ, cứu nạn cho người dân.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão khiến Quốc lộ 70 đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai bị sạt lở nghiêm trọng. Để đảm bảo thông đường, giúp các phương tiện có thể tiếp cận cứu trợ, cứu nạn người dân gặp nạn, đơn vị quản lý đường đã tập trung nhân lực vật lực thông đường một cách sớm nhất.
Từ đêm ngày 8/9, mưa lớn xảy ra trên diện rộng khiến đất đá từ taluy dương đổ xuống Quốc lộ 70. Đặc biệt từ Km38 đến Km118, đã có đến hàng trăm điểm sạt lở, giao thông hoàn toàn bị ách tắc.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão khiến Quốc lộ 70 đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai bị sạt lở nghiêm trọng. (Ảnh: TTXVN)
Với những phương án đã chuẩn bị sẵn, đơn vị quản lý đường đã khẩn trương triển khai khắc phục. Đặc biệt khi vụ sạt lở kinh hoàng tại thôn Làng Nủ, Bảo Yên, Lào Cai xảy ra, việc sớm thông đường thực sự trở nên cấp thiết.
"Máy móc, thiết bị và nhân công đã được huy động. Anh em cũng không quản ngại giờ giấc, nhiều người nhà cũng bị ngập nhưng họ vẫn bỏ lại để ra đường quyết tâm thông đường một cách sớm nhất", chị Phí Thị Yến (Phụ trách Hạt Quản lý Đường bộ số 4, Quốc lộ 70) chia sẻ.
Với nỗ lực của đơn vị quản lý, chỉ 2 ngày sau tuyến Quốc lộ 70 hướng từ Lào Cai về khu vực tiếp cận thông Làng Nủ đã được thông xe. Đến nay, toàn bộ các điểm sạt lở nghiêm trọng đã được khắc phục, các phương tiện đã có thể lưu thông. Tuy nhiên lương đất đá bị sạt lở quá lớn chưa thể giải quyết triệt để, đồng thời nhiều vị trí mặt đường bị thu hẹp do sạt lở nên xe tải nặng trên 5 tấn vẫn bị hạn chế lưu thông.
"Trong quá trình vừa ứng cứu, vừa đảm bảo giao thông, chúng tôi xác định và thường xuyên báo cáo, thực hiện sự chỉ đạo của Cục Đường bộ Việt Nam sẽ kiên cố hóa lại các vị trí bị sạt lở ta luy âm, cũng như sạt lở ta luy dương để các tuyến đường, các vị trí đảm bảo cho người dân đi lại một cách nhanh chóng", ông Trần Thanh Tùng (Trưởng Văn phòng Quản lý Đường bộ 1.3, Khu Quản lý Đường bộ I) cho biết.
Những vị trí bị hư hỏng chưa kịp kiên cố hóa, nguy cơ tiếp tục xảy ra sạt lở vẫn đang hiện hữu. Vì vậy, ngoài nỗ lực của đơn vị quản lý đường cũng rất cần sự phối hợp của chính quyền địa phương và người dân trong việc phát hiện những điểm sạt trượt mới phát sinh để kịp thời xử lý, đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!