TP Hồ Chí Minh vừa phải di dời khẩn cấp 13 hộ dân ở kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh vì sạt lở. Nhưng đây chỉ là 1 trong 32 vị trí sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, theo công bố mới nhất của Ủy ban Nhân dân thành phố vào tuần trước. Bước vào cao điểm mùa mưa năm nay, nỗi lo về sạt lở đe dọa cuộc sống người dân lại đang trở nên nhức nhối hơn bao giờ hết.
Rạch Giồng Ông Tố, đoạn qua phường An Phú và Bình Trưng Tây, TP Thủ Đức là một trong 8 vị trí sạt lở kênh, rạch được xếp vào mức đặc biệt nguy hiểm tại TP Hồ Chí Minh. Hàng loạt nhà cửa, nền đất đã bị sạt lở. Có căn hở hàm ếch, mất toàn bộ phần móng, cả căn nhà nằm chênh vênh trên mặt nước.
Theo báo cáo mới nhất, TP Hồ Chí Minh hiện có 24 vị trí sạt lở ở mức nguy hiểm và 8 vị trí đặc biệt nguy hiểm. Giải pháp trước mắt, các cơ quan chức năng đã khẩn cấp di dời nhiều hộ dân ở các ví trí đặc biệt nguy hiểm; đặt nhiều băng rôn, biển cảnh báo để đảm bảo tính mạng cho người dân. Thành phố cũng giao các đơn vị liên tục rà soát, kiểm tra và gia cố tạm các điểm mới sạt lở để giảm thiểu thiệt hại.
Về lâu dài, chỉ có xây dựng các bờ kè kiên cố mới đảm bảo an toàn cho đời sống người dân. Thời gian qua, thành phố đã nỗ lực triển khai được một số dự án đưa vào sử dụng như bờ kè tại khu vực Thảo Điền, TP Thủ Đức.
Trong số 32 vị trí sạt lở trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, 23 vị trí đã có chủ trương xây dựng dự án kè chống sạt lở. 9 vị trí đến nay còn chưa có dự án đầu tư. Tại đây, chính quyền thành phố yêu cầu các địa phương phải liên tục cảnh báo, tuyên truyền để bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!