Đỗ Vinh, Đình Hiệp.-Thứ bảy, ngày 12/10/2024 19:16 GMT+7
Vào mùa mưa lũ, đường Hồ Chí Minh luôn đặt trong cảnh báo sạt lở. Riêng gần 250km từ Quảng Nam đi Tây Nguyên qua tỉnh Kon Tum là khu vực xảy ra sạt lở nhiều nhất, thường gây ách tắc dài ngày. Chính vì vậy, chuẩn bị phương tiện, vật tư để đảm bảo thông tuyến khi có sạt lở được xem là nhiệm vụ cấp thiết của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Phước Sơn - Quảng Nam, sau một ngày mưa lớn, nước lũ mang theo đất đá từ đồi núi cao chảy xuống đường. Ban ngày, lái xe có thể quan sát nhưng ban đêm, mưa lớn, tầm nhìn hạn chế, nguy cơ tai nạn có thể xảy ra. Để đảm bảo giao thông và sẵn sàng giải phóng đất đá bị sạt lở nhanh nhất, đơn vị quản lý đường bộ luôn sẵn sàng các phương án ứng phó.
Đèo Lò Xo nối giữa Quảng Nam và Kon Tum là đoạn đường hiểm trở nhất trên tuyến Hồ Chí Minh. Mùa mưa lũ năm nào cũng chứng kiến tình trạng hư hại. Dù công tác duy tu, sửa chữa được thực hiện thường xuyên nhưng mức độ hư hỏng vẫn vượt xa khả năng khắc phục.
Trước mùa mưa bão, Khu quản lý đường bộ 3 đã giao trách nhiệm cho các Hạt đường bộ thuộc Quảng Nam và Kon Tum trực chiến 24/24 giờ với phương châm ứng cứu nhanh nhất, thông tuyến nhanh nhất.
Năm 2023, Khu Quản Lý đường bộ 3 đã đầu tư hơn 161 tỷ đồng, năm 2024 bố trí gần 146 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục đảm bảo an toàn giao thông đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Nam - Kon Tum. Dù chuẩn bị kỹ theo kịch bản phòng chống thiên tai, việc đầu tư các hạng mục kè chống sạt trượt cũng được quan tâm, song lực lượng chức năng vẫn thường xuyên đối mặt với tình trạng sạt lở, quan ngại nhất là lở đá tảng đổ sập rất nguy hiểm. Hiện cơ quan quản lý đã ký hợp đồng với đơn vị phá đá chuyên nghiệp sẵn sàng xử lý ách tắc khi có tình huống xấu xảy ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!