Nới lỏng nhưng không lơi lỏng

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 06/10/2021 22:36 GMT+7

VTV.vn - Thời điểm này, nhiều địa phương đã dần mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt các tỉnh thành phía Nam.

Thích ứng an toàn phòng chống dịch

Xí nghiệp cơ kim khí Hải Hà, Khu công nghiệp vừa và nhỏ Từ Liêm, Hà Nội, người lao động tuân thủ nguyên tắc tại xưởng trước khi vào ca chiều: bắt buộc thực hiện 5K, đầy đủ các bước, khai báo y tế với ứng dụng PC-COVID.

Thích ứng linh hoạt, đơn vị này vừa chuyển từ 3 tại chỗ khi giãn cách sang giảm bớt nửa số lao động tại một thời điểm khi được thành phố nới lỏng, chia ca kíp, đảm bảo an toàn cho công nhân và quy trình sản xuất.

Để tất cả đều được đi làm, ổn định cuộc sống, thu nhập, người lao động ở đây đã nằm lòng nguyên tắc phòng dịch, không chỉ ở môi trường làm việc.

Nới lỏng nhưng không lơi lỏng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Ảnh: Báo quân đội nhân dân.

Mở cửa trở lại là mong muốn của nhiều đơn vị kinh doanh, các điểm bán đã tuân thủ quy định, với đầy đủ mã QR khai báo y tế theo yêu cầu, chủ động các biện pháp tránh tiếp xúc.

Điểm nóng Thành phố Hồ Chí Minh sau 4 tháng giãn cách xã hội, người dân trong mọi hoạt động đều thật cẩn trọng, có giới hạn, đề cao yếu tố phòng dịch.

Người dân sẽ cần Thẻ xanh COVID để vào siêu thị; lượng khách không quá 10 người/lượt, nhân viên tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, an toàn đến đâu mở cửa đến đó tránh ùn ứ, đông người.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh - cho biết: "Chúng tôi có hướng dẫn và đại đa số các siêu thị đều chuẩn bị theo bộ quy tắc an toàn do TP. Hồ Chí Minh ban hành. Thông qua các ứng dụng, chúng tôi có thể thu thập thông tin, hướng dẫn và quản lý người dân để có thể đảm bảo mật độ, khoảng cách cũng như các biện pháp an toàn khác trong quá trình sử dụng dịch vụ tại trung tâm, siêu thị".

Các địa phương đang nỗ lực mở cửa dần các hoạt động kinh tế xã hội phục vụ người dân. Nới lỏng nhưng không lơi lỏng, lơ là, vẫn cần đó sự chung tay, trách nhiệm cá nhân, đảm bảo an toàn cho chính mình, gia đình và cộng đồng.

Đại dịch COVID-19 gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực nhưng từ đó lại thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng hơn. Một thống kê cho thấy, Việt Nam có gần 50 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến, trở thành quốc gia có tỷ lệ mua sắm trực tuyến cao nhất trong khu vực. Việc khám chữa bệnh từ xa, học tập trực tuyến cũng trở thành thói quen thường ngày. Những cháu nhỏ vào lớp 1 cũng phải học cách mở phần mềm học tập trực tuyến, người cao tuổi cũng học cách dùng mạng xã hội để trò chuyện thăm hỏi cháu con. Có thể với nhiều người - có chút bỡ ngỡ ban đầu, nhưng ở một góc độ nào đó, dịch bệnh khiến chúng ta phải tự thích ứng để dần trở thành những công dân số.

Hình thành công dân số trong đại dịch

Nếu không có COVID-19, một tháng đôi lần, bác Nguyễn Mạnh Tường (Quận Đống Đa, Hà Nội) tới sinh hoạt với câu lạc bộ thơ của mình. Nay mọi hoạt động thơ ca chuyển lên không gian mạng. 82 tuổi, trước bỡ ngỡ, dần dần bác đã quen với máy tính, điện thoại thông minh.

Cháu nội bác Tường học online từ đầu năm ngoái, giờ cũng đã sử dụng thành thạo máy tính, Internet.

Dịch bệnh đang khiến việc dịch chuyển số đến nhanh hơn. Người không thạo công nghệ bây giờ cũng biết cài app, tự khai báo y tế online, cập nhật ứng dụng mới để trình Thẻ xanh COVID hay quét mã QR code mỗi khi đến điểm công cộng.

Ai cũng phải thích ứng với công nghệ vì sức khỏe, học tập, giao tiếp, mua sắm, cả văn hóa giải trí nữa. Người yêu lịch sử học để có thể tự khám phá các hiện vật cổ qua công nghệ bảo tàng 3D. Người yêu Mỹ thuật có thể học vẽ, học chụp ảnh online. Người mua hàn học thanh toán trực tuyến để hạn chế rủi ro. Người đi làm cũng phải nhanh chóng áp dụng công nghệ trong công việc, đã có tới 60% công ty thực hiện chuyển đổi số ngay trong 6 tháng đầu năm nay.

Nhìn nhận tích cực về cuộc sống trong dịch bệnh

Thực sự thì từ người già đến trẻ em đều dùng công nghệ nhanh hơn hẳn. Nếu trước đây người cao tuổi ngại dùng điện thoại thông minh thì bây giờ có khi lại chủ động hỏi con cháu "gọi để nhìn mặt nhau thế nào?", "xem cái gì để biết mình tiêm 2 mũi rồi?". Dĩ nhiên dịch bệnh khiến cả xã hội chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng một nghiên cứu quốc tế mới đây chỉ ra rằng, dịch bệnh cũng khiến mọi người chú trọng hơn bồi dưỡng bản thân, những trải nghiệm cùng gia đình và bạn bè, sẵn sàng tìm hiểu về những thứ mới mẻ.

Trong xu thế đó, du lịch đang bắt đầu cựa mình trở lại với các hình thức mới như hộ chiếu vaccine, Thẻ xanh COVID hay du lịch bong bóng khép kín. Những ngày qua, đã có hàng chục tỉnh thành trong cả nước công bố mở cửa du lịch trở lại, trước mắt là nội tỉnh đảm bảo an toàn.

Dần mở cửa du lịch, đảm bảo an toàn

Kỳ nghỉ cuối tuần, gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (TP. Hạ Long, Quảng Ninh) lựa chọn Yên Tử - một danh thắng ngay tại địa phương để vãn cảnh. Không gian thuận tiện vừa đáp ứng nhu cầu thư giãn, vui chơi và quan trọng nhất là an toàn với dịch bệnh.

Từ tháng 11, Quảng Ninh sẽ thí điểm đón du khách khách du lịch ngoại tỉnh từ vùng xanh. 3 điểm đến sẽ được đón khách là Vịnh Hạ Long, Khu du lịch và giải trí quốc tế Tuần Châu và Khu di tích danh thắng Yên Tử.

Nới lỏng nhưng không lơi lỏng - Ảnh 2.

Quảng Ninh phấn đấu đón 1,1 đến 1,2 triệu lượt khách du lịch nội địa. Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng với Quảng Ninh, các địa phương ở miền Bắc như Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương cũng lên phương án mở cửa du lịch, ưu tiên khách nội tỉnh.

Với gần 100% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 vaccine, 40% đã tiêm mũi 2, từ 15/10 tỉnh Khánh Hòa sẽ đón khách ngoại tỉnh. Riêng khách quốc tế sẽ đón vào đầu tháng 12 năm nay. Loại hình du lịch được tỉnh Khánh Hòa ưu tiên là nghỉ dưỡng, khép kín.

Phú Quốc mở đợt tiêm vaccine với quy mô toàn dân số trên đảo. Sau đợt tiêm phủ vaccine này, 95% người dân Phú Quốc đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Sau khi đạt miễn dịch cộng đồng và được Chính phủ cho phép, đảo ngọc sẽ chính thức mở cửa đón khách du lịch quốc tế.

Hiện gần 20 địa phương trong cả nước kiểm soát tốt dịch bệnh đang tích cực lên kế hoạch mở cửa đón khách du lịch, phục hồi hoạt động du lịch bị "đóng băng". Trong tháng 10 này, Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức tập huấn quy trình đón và phục vụ khách du lịch; tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn, xác định điểm đến an toàn; kết nối các điểm đến an toàn. Trong điều kiện thuận lợi, từ tháng 11, sẽ triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch COVID-19 gắn với quy trình phòng chống dịch. Việc tái khởi động với du khách nội địa sẽ là bước tập để tiến tới mở cửa thí điểm đón du khách quốc tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước