Tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy diễn ra nhiều năm qua. Cao điểm nhất của việc chặt phá, đốt rừng là vào những ngày thời tiết nắng nóng.
Trên chính diện tích rừng vừa phá rồi đốt, những gốc sắn đang được trồng. Vẫn còn nguyên những gốc cây rừng bị cháy. Một cây rừng đốn xuống, thay thế là 1-2 gốc sắn mới.
Mùa mưa bắt đầu là vụ mùa mới của đồng bào dân tộc. Theo phản ánh của người dân, bà con mở rộng diện tích đất sản xuất bằng cách phá rừng. Diện tích rừng mới bị chặt ngay bên cạnh những đám lửa của những cây gỗ cũ. Nhiều cây rừng, gốc bị đốt cháy, ngọn vẫn xanh, rồi cây chết từ từ.
Nhiều diện tích rừng bị đốt, phá
Theo phản ánh của người dân, vào đầu mùa khô, tức khoảng sau Tết Nguyên đán, một số người dân sẽ tiến hành phá rừng để chuẩn bị phục vụ cho mùa làm nương rẫy vào mùa mưa kế tiếp. Đa phần loại cây người dân trồng là các cây nông nghiệp ngắn ngày, phục vụ nhu cầu trước mắt như lúa, sắn, ngô.
Huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có tổng diện tích tự nhiên là gần 140.000ha. Lo người dân cứ tiếp tục phá rừng, người dân rải rác khắp địa bàn, khó trong quản lý. Từ năm ngoái đến tháng 4 năm nay, địa phương này đã khởi tố 7 vụ án với 33 bị can phá rừng. Thậm chí đã từng xảy ra tình trạng, một số người lợi dụng việc phá rừng làm nương rẫy để khai thác theo quy mô lớn.
Đây là địa bàn có các tuyến đường giao thông huyết mạch nối với các tỉnh đồng bằng thuận lợi cho việc khai thác, vận chuyển. Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết sẽ tiếp tục có những nhóm cán bộ thường xuyên trinh sát, tuần tra, ngăn chặn. Bố trí hợp lý lực lượng để trấn áp vi phạm. Đồng thời cũng cần thêm sự vào cuộc, giám sát của chính quyền và cơ quan chức năng cấp xã, thôn để vận động, tuyên truyền người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!