Với nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số, đa phần họ gắn bó với các công việc gia đình, thậm chí ngay khi còn trẻ tuổi.
Dù mỗi dân tộc khác nhau về vị trí định cư, phong tục tập quán, cách canh tác, văn hóa truyền thống nhưng gần đây, nhờ nỗ lực vươn lên, nhờ các chính sách xã hội cho vùng dân tộc và thay đổi quan điểm của cộng đồng, những con đường của phụ nữ đã bớt phần nào chông gai. Phụ nữ vùng cao vươn lên mạnh mẽ như những bông hoa của núi rừng, khẳng định bản thân và đóng góp cho xã hội.
Năm 2022, bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương là nơi đầu tiên trên miền đất vùng cao xứ Nghệ có một nữ Bí thư Chi bộ người Mông. Phụ nữ người Mông trước nay quen việc nhà, chăm sóc chồng con, Y Dở đã làm thay đổi nếp nghĩ của mọi người.
Trở thành người định hướng, chỉ đạo xây dựng, phát triển bản làng, Vừ Y Dở tích cực bắt tay củng cố nền nếp của bản. Từ việc nhỏ đến việc lớn, nữ Bí thư đều tham gia, với một suy nghĩ cái gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng có thể làm và phải làm để người Mông quê mình thấu hiểu điều đó.
Nữ Bí thư Chi bộ bản Lưu Thông Vừ Y Dở (thứ 3 phải sang) trao đổi về tình hình thôn bản; Từ trục đường chính đến các tuyến đường nhánh ở bản đều được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ; Đường vào bản Lưu Thông; Rác thải nhựa được người dân bản Lưu Thông phân loại cho vào lò đốt rác.
Năm 2022, Y Dở cùng với trưởng bản và các trưởng họ cùng bàn bạc soạn thảo ra Hương ước bản Lưu Thông, trong đó có những điều khoản quan trọng về bảo vệ rừng, xây dựng bản vùng cao không ma tuý và gìn giữ nét văn hoá người Mông.
Sau Y Dở, ngày càng có thêm những người phụ nữ giữ trọng trách đứng mũi chịu sào ở các bản làng vùng cao xứ Nghệ.
Khi được đặt niềm tin và trao vào tay những cơ hội, họ đã chứng minh được năng lực và hơn hết là lan toả sự tự tin, khát vọng thay đổi cuộc sống đến với những người phụ nữ dân tộc mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!