Chỉ hơn 300.000 đồng/chai nước hoa thương hiệu nổi tiếng Lancome của Pháp, mức giá chỉ bằng 1/10 so với nước hoa chính hãng. Đương nhiên, nguồn gốc xuất xứ cũng mập mờ, không có gì được in trên vỏ chai.
Quanh khu chợ sinh viên, nước hoa và mỹ phẩm thương hiệu nổi tiếng nào cũng có. Nguồn gốc được quảng cáo là hàng "nội địa" và chất lượng thì chỉ được bảo đảm qua lời khẳng định của người bán.
Những sản phẩm nước hoa kém chất lượng thường chứa nhiều hóa chất công nghiệp, cồn nồng độ cao và hương liệu. Khi sử dụng trên bề mặt da, với bề mặt da hở không chỉ gây mụn nước, mất thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Nắm bắt tâm lý một bộ phận người tiêu dùng trong nước có xu hướng chuộng hàng ngoại đặc biệt là các mặt hàng mỹ phẩm, nước hoa nên việc kinh doanh các sản phẩm xách tay qua mạng xã hội trở nên rất phổ biến. Lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm soát thị trường, từ đó phát hiện và thu giữ hàng tấn nước hoa mỹ phẩm có dấu hiệu làm giả các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài.
Mới đây, hơn 30.000 sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa không hóa đơn chứng từ, không tem mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ trong đó, có rất nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài vừa được cơ quan chức năng thu giữ khi bất ngờ kiểm tra 2 kho hàng ở quận Gò Vấp.
Theo thông tin từ lực lượng quản lý thị trường, toàn bộ hàng hóa ở 2 cơ sở này đang được bán, phân phối trên các nền tảng thương mại điện tử, không có cửa hàng cố định, không thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh hợp pháp.
Lợi dụng sự phát triển của công nghệ mới, các đối tượng sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả, mỹ phẩm nhái đã dùng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi. Những món hàng được nhái lại y như thật, khó phân biệt bằng mắt thường nên dễ dàng đánh lừa người tiêu dùng và qua mặt lực lượng chức năng. Vì thế, người tiêu dùng cũng cần nâng cao cảnh giác để tránh rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!