Hệ thống đại thủy nông Bắc Hưng Hải được hoàn thành cách đây hơn 60 năm. Chiều dài dòng chính là hơn 230 km và trên 2.000 km dòng nhánh và kênh các loại. Công trình này phục vụ đa mục tiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dân sinh, liên quan đến đời sống của hàng triệu người dân. Lưu lượng xả thải của dòng kênh này ước tính gần 440.000 m3/ngày đêm.
Kênh Bắc Hưng Hải là hệ thống kênh thủy lợi lớn nhất miền Bắc nhưng theo đánh giá của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, nguồn nước ở kênh này đã tới giới hạn đỏ, ô nhiễm cả về phạm vi và mức độ. Nguyên nhân chính do nhiều cống nước thải sinh hoạt, cụm làng nghề, cơ sở chăn nuôi đang hàng giờ đổ thải vào hệ thống kênh Bắc Hưng Hải.
Hàng triệu người sống cạnh con kênh này nhiều năm cho biết, ngày nắng, nước sông một màu đen và bốc mùi khó chịu. Các hộ dân sống hai bên bờ sông này buộc phải sống chung với ô nhiễm trong nhiều năm.
Điểm giáp ranh giữa một bên là tỉnh Hưng Yên, một bên là TP Hà Nội, nước có 2 màu rõ rệt là màu của phù sa và màu đen như mực do tiếp nhận nước thải từ sông Cầu Bây ở TP Hà Nội.
Các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã triển khai nhiều nhóm giải pháp nhưng đến nay nhiều khu vực trên tuyến kênh này vẫn đang dần trở thành dòng kênh chết. Hiện nay, có hơn 400 điểm xả nước thải chính chảy vào hệ thống thủy lợi này, lưu lượng 5m3/ngày đêm trở lên. Các điểm này đã được lập hồ sơ quản lý. 61 cơ sở có nguồn nước thải lớn, gây ô nhiễm môi trường cũng đã được theo dõi. Như vậy các điểm xả thải ra dòng kênh này đã được khoanh vùng nhưng vì sao chất lượng nước sông vẫn đáng báo động?
Cuối tháng 7 vừa qua, khi làm việc về kết quả xử lý ô nhiễm tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu các bộ và địa phương liên quan cần có cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo, thống nhất, không đùn đẩy trách nhiệm. Trong đó, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối chủ trì, điều phối giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống kênh này.
6 nhóm giải pháp nhiệm vụ được đưa ra, bao gồm tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm xả thải; huy động nguồn lực đầu tư xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung trước khi thải ra hệ thống kênh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!