Tính đến thời điểm này, nước trên các sông và các địa bàn xã, huyện bị ngập sâu tại tỉnh Tuyên Quang đã rút gần hết. Tại 6 xã ngập sâu của huyện Chiêm Hóa, ngay sau khi nước rút, người dân cùng hỗ trợ nhau khắc phục hậu quả để lại sau trận ngập lụt. Nhiều cảm xúc đan xen, nhưng may mắn nhất là cả xã không có thiệt hại về người.
Xã Vinh Quang (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) có khoảng 2.000 hộ dân với trên 8.000 nhân khẩu đã thoát khỏi cảnh cô lập do nước lũ. Nước rút tới đâu, bà con ngay lập tức huy động nhau dọn dẹp bùn đất, nhà cửa để quay trở lại cuộc sống ngày thường.
Lớp bùn đất dày chỉ trong 2 tiếng đã dần biến mất. Cả thôn ai có dụng cụ gì đều huy động nhau ra dọn dẹp.
Nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng, bởi chưa bao giờ phải chứng kiến và trải qua một cơn đại hồng thủy như vậy. Tuy nhiên điều họ cảm thấy may mắn nhất đó là không có thiệt hại về người, muôn người như một, luôn nỗ lực giúp đỡ nhau trong hoạn nạn.
Người dân dọn dẹp bùn đất để sớm trở lại cuộc sống bình thường. (Ảnh: TTXVN)
"Chỉ chạy từ tầng 1 lên tầng 2, nhưng ngập luôn hết tầng 2 lên tầng 3. Nước không có mà uống, chẳng có gì mà ăn. Nó lại lên tối nhanh quá. Ở trong đồi, các nơi nó dồn về, mưa dồn dập 2 ngày trời", bà Lương Thị Thái (xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) chia sẻ.
"Một cái đảo cô độc, không đi được, mà cũng không di chuyển được. Khổ lắm. Nhà nọ giúp nhà kia, tự chạy. Chạy được cái gì thì chạy, còn lại trôi hết. Thôi còn người còn của", bà Đỗ Thị Chung (xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) bày tỏ.
"Trong những lúc khó khăn, điện không có, sóng điện thoại không có, nấu cơm nước không có, được những cái suất cơm từ thiện tuyệt vời lắm", anh Phạm Văn Trung (xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cho hay.
Hiện đã có hàng trăm thanh niên tình nguyện được huy động vào các xã để hỗ trợ người dân dọn dẹp. Quan trọng nhất lúc này chính là làm sạch môi trường, nguồn nước và khơi thông đường giao thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!