Ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Nỗi lo khi tuổi già không lương hưu

Thế Hà - Vũ Anh-Thứ ba, ngày 30/11/2021 13:12 GMT+7

VTV.vn - Ồ ạt rút BHXH một lần vì khó khăn trước mắt, người lao động đành phó mặc tuổi già không lương hưu. Cần có sự điều chỉnh nào để vấn đề an sinh sau này không bị ảnh hưởng.

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có hàng trăm ngàn lao động nhập cư và công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp. Ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời gian qua đã khiến đời sống của đa phần người lao động gặp nhiều khó khăn. Bảo hiểm xã hội trở thành một trong những lựa chọn cuối cùng để họ rút được một khoản "tiền tươi", lo chi tiêu trước mắt cho bản thân và gia đình.

Người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần

Tại trụ sở Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức, từ sáng đến chiều lúc nào cũng có rất đông người lao động đến nộp hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần. Để đảm bảo giãn cách, đơn vị này phải đóng cổng, chia rổ cho người lao động tự bỏ hồ sơ, rồi dùng loa đài để điều hành.

"So với trước dịch và so với các năm thì lượng hồ sơ tăng từ 2- 3 lần, cá biệt có những ngày cao điểm tăng gấp 5 lần", ông Huỳnh Văn Trung, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TP Thủ Đức cho biết.

Qúa tải, bảo hiểm xã hội các địa phương phải nhờ hệ thống bưu điện hỗ trợ trong việc nhận và trả hồ sơ. Người lao động có thể đến đây nộp hồ sơ rút bảo hiểm xã hội một lần, khi nào xong, bưu điện sẽ gửi trả tận nhà.

Bà Trần Thị Thu Thanh, Trưởng bưu điện Quận 5 cho biết: "Lượng hồ sơ rút bảo hiểm một lần đang tăng cao, mỗi ngày khoảng 120 hồ sơ".

Ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Nỗi lo khi tuổi già không lương hưu - Ảnh 1.

Có hai lý do chính khiến lượng người lao động rút bảo hiểm xã hội tăng cao. Thứ nhất là do đợt giãn cách, nhiều hồ sơ bị dồn ứ hơn 4 tháng nay người dân mới đi nộp. Thứ hai, ảnh hưởng của dịch khiến nhiều công nhân không còn thu nhập, buộc phải rút bảo hiểm xã hội 1 lần để trang trải trước mắt.

"Chờ đến lúc về hưu thì lâu quá, mà mình đang cần số tiền này nên mình rút một lần luôn", anh Vũ Đình Dương, người dân TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Thực tế, việc người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần không phải là vấn đề riêng của TP Hồ Chí Minh mà là vấn đề của cả nước. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, kể từ năm 2016, khi luật bảo hiểm xã hội có hiệu lực cho đến năm 2020, trên toàn quốc đã có gần 3.200.000 người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Con số các năm sau luôn cao hơn các năm trước. Cụ thể, 10 tháng đầu năm 2021, đã có hơn 700.000 người rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm. Và tăng hơn 50% so với năm 2016.

Ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Nỗi lo khi tuổi già không lương hưu - Ảnh 2.

Theo các đơn vị bảo hiểm xã hội ở cơ sở, lúc này đang rất cần các chính sách tín dụng vi mô, hoặc các hỗ trợ cụ thể để người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, tránh ảnh hưởng đến việc tham gia bảo hiểm xã hội. Bởi việc rút bảo hiểm xã hội một lần sẽ đẩy người lao động vào rủi ro rất lớn khi về già. Khi không còn sức lao động, lại không có nguồn thu nhập hưu trí từ bảo hiểm xã hội thì họ sẽ mất đi sự tự chủ, phụ thuộc vào con cháu.

Nỗi lo an sinh

Trong các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh hiện nay, có rất nhiều người già bị bỏ rơi theo đúng nghĩa đen của từ này. Họ bị bệnh mà không có lương hưu, không bảo hiểm xã hội, không bảo hiểm y tế cũng chẳng có người thân nào đến chăm sóc. Mọi chi phí ăn ở điều trị đều phó mặc cho bệnh viện.

"Tập thể y bác sĩ một mặt vẫn cố gắng tận tình cứu chữa cho bệnh nhân, một mặt vận động các mạnh thường quân hỗ trợ", bác sĩ Đặng Mỹ Trinh, Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Phục hồi chức năng và điều trị bệnh nghề nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tính đơn giản như hiện nay, nếu đi làm công ty, có mức lương khoảng 5 triệu/tháng. Người lao động sẽ phải đóng mỗi tháng 400.000 bảo hiểm xã hội. Công ty nơi làm việc phải đóng thêm 1 phần. Khi về già, người lao động này sẽ được hưởng 3.750.000 đồng/tháng.

Ồ ạt rút bảo hiểm xã hội 1 lần: Nỗi lo khi tuổi già không lương hưu - Ảnh 3.

Hơn thế nữa còn có nhiều quyền lợi khác khi ốm đau, thai sản, tai nạn, bệnh nghề nghiệp hay tử tuất. Tiếc là nhiều người lao động không nhận ra điều này. Cứ nghĩ lĩnh bảo hiểm xã hội một lần như một khoản đòi lại sau mỗi lần nghỉ việc. Lúc đi xin công việc mới lại đóng tiếp, không có sự nối tiếp nên quyền lợi hầu như không còn. Hoặc đơn giản, gặp khó khăn lúc nào là đi rút hết về một cục để xài mà không nghĩ đến nỗi lo tuổi già không lương hưu.

Bảo hiểm xã hội có thu một phần tiền lương của người lao động nhưng bên cạnh đó đó còn có phần của doanh nghiệp bắt buộc phải đóng và phần hỗ trợ thêm của ngân sách. Đây là chính sách an sinh của Đảng và nhà nước dành cho người lao động. Rút bảo hiểm xã hội một lần là người lao động đã tự bước ra khỏi chính sách an sinh ấy và trong 1 số trường hợp không may mắn, điều đó đồng nghĩa với việc từ chối một tuổi già an yên.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước