Công trình Panorama ở Mã Pì Lèng có dấu hiệu "hoành tráng" hơn sau cải tạo. (Ảnh: TTXVN)
Theo tờ Zing News, Sở Xây dựng tỉnh Hà Giang vừa có công văn phản hồi báo này về việc xử lý công trình Panorama xây dựng sai phép trên đèo Mã Pì Lèng thuộc huyện Mèo Vạc. Cụ thể, Sở Xây dựng Hà Giang nhận định để xảy ra vi phạm về trật tự xây dựng tại công trình nói trên có một phần trách nhiệm của Sở trong công tác quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn.
Để khắc phục, Sở Xây dựng Hà Giang đã có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục cải tạo công trình theo phương án kiến trúc đã được cơ quan chức năng đồng thuận. Cơ quan này cũng cho biết việc cải tạo của chủ đầu tư vẫn đang được thực hiện.
Tuy nhiên, trong những ngày qua, MXH đang xôn xao chia sẻ, bình luận về việc công trình Panorama xây dựng tại đèo Mã Pì Lèng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang sau khi "tháo dỡ, cải tạo" lại hiện ra với hình dáng bề thế hơn. Cụ thể, so với kết cấu ban đầu là 7 tầng, hiện Panorama Mã Pì Lèng còn có thêm một tầng gác mác, tổng cộng là 8 tầng, mọi kiến trúc khác đều được giữ nguyên.
Năm 2019, công trình Panorama ở Mã Pì Lèng đã gây ồn ào vì sự đồ sộ, xây không phép và phá hoại cảnh quan thiên nhiên khu vực đèo Mã Pì Lèng và sông Nho Quế. Theo Công văn số 4141 năm 2019 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, công trình Panorama Mã Pì Lèng không phù hợp với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa của đồng bào trong khu vực, gây cản trở tầm nhìn của du khách. Công trình đi vào hoạt động mà chưa có đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ công trình được yêu cầu cải tạo, chỉnh trang cho hài hòa với thiên nhiên và đáp ứng được các yêu cầu cấp phép.
Tháng 7/2020, công trình bắt đầu được cải tạo nhưng ở thời điểm hiện tại lại có hiện trạng "bề thế hơn trước".
Công trình Panorama hiện nay không còn màu sặc sỡ như trước. Thay vào đó, công trình có màu ghi xám của đá, phần nổi trên mặt đất theo kiến trúc truyền thống, có mái ngói, không phải mái bằng như cũ. Trước đó, mặt đứng này chỉ có 2 tầng. Các tầng phía dưới vẫn tiếp tục được xây dựng "hoành tráng" dù được "xám hóa", mái của công trình cũng có màu xám đậm.
Được biết, dù "chưa cải tạo xong" tuy nhiên chủ công trình đã có động thái thu tiền du khách tới đây (nếu chỉ vào ngắm cảnh, giá vé là 20.000 đồng, còn nếu sử dụng đồ uống phải trả tiền vé 50.000 đồng).
Hiện Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có văn bản yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang giải trình về vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!