Khả năng hiện tượng này sẽ còn xảy ra ở cả những vùng núi khác trong 3 tháng tới. Đây là những hiện tượng nguy hiểm đối với cây trồng, vật nuôi của bà con vùng núi.
Sương muối, băng giá, mưa tuyết khác nhau như nào?
Trong khi tuyết từ các đám mây trên cao rơi xuống, còn sương muối và băng giá được hình thành ngay ở mặt đất. Chúng ta sẽ khó nhận ra sự khác biệt giữa sương muối và băng giá. Sự khác biệt chính là ở cách chúng được hình thành, đặc biệt là nguồn ẩm tạo ra chúng.
Vào mùa đông, trong những đêm quang mây, lặng gió, nhiệt độ bề mặt các vật thể hay cây cỏ ở sát mặt đất bị lạnh đi nhanh chóng. Khi nhiệt độ giảm xuống xấp xỉ 0 độ C hoặc thấp hơn, kết hợp với độ ẩm cao, hơi nước trong không khí sẽ ngưng kết thành sương muối.
Băng giá cũng cần có độ ẩm cao, lặng gió nhưng khác là nhiệt độ thường ở mức âm, thấp hơn nhiều so với điều kiện hình thành sương muối và nó xuất hiện ở những khu vực có sương mù dày đặc. Khi đó các giọt nước siêu lạnh trong sương mù sẽ đóng băng lại tạo thành băng giá trên các bề mặt mà chúng tiếp xúc.
Sương muối không mặn mà chỉ trắng như muối, xốp, nhẹ, gần giống với lớp tuyết ở trong ngăn đông của tủ lạnh. Nó thường bám ở lớp thực vật sát mặt đất hoặc mặt đất. Thời gian tồn tại ngắn, trong vòng 1 đến 2 tiếng trước khi mặt trời mọc. Sương muối thường nhẹ, giống lông vũ, dễ bị thổi bay khi có gió.
Trong khi đó băng giá thường trong suốt, trông giống những giọt nước. Chúng có thể bao phủ cả 1 ngôi nhà, cây cao, cột điện. Chúng nặng hơn, bám nặng trĩu cây cối
Tính nguy hại của sương muối
Sương muối, băng giá, tuyết đều tạo ra khung cảnh đẹp để chụp ảnh nhưng khi chúng xuất hiện thì trời rất rét và nhiệt độ xuống thấp. Sương muối, băng giá dễ bắt gặp hơn tuyết. Số lần xuất hiện trong 1 năm không nhiều nhưng rất nguy hiểm cho cây trồng, đặc biệt là hiện tượng sương muối.
Khi sương muối xuất hiện, nước trong thân cây rau sẽ bị đóng băng lại. Khi nước đóng băng sẽ giãn nở thể tích, làm phá vỡ các tế bào, các ống dẫn nhựa cây trên thân, cành. Một vài tiếng sau khi mặt trời lên, dưới tác dụng của bức xạ mặt trời, các hạt sương lạnh bốc hơi nhanh chóng làm cho các mô cây bị giảm nhiệt độ đột ngột, làm lá cây bị héo táp, cháy xém, teo tóp.
Các loại cây trồng ngắn ngày như rau màu và hoa thường chịu ảnh hưởng nặng của sương muối. Lá và hoa sẽ bị héo úa, cháy khô hoặc nhũn ra, củ dưới đất bị mềm, sau vài ngày cây sẽ chết hoàn toàn. Rau màu héo úa, thối nhũn khi bị sương muối.
Với các loại cây lâu năm như cây ăn quả, cây công nghiệp, chồi và lá của cây sẽ bị thâm đen, cháy xém, quả chuyển nâu, nhũn ra và rụng. Những cây chịu ảnh hưởng của sương muối thường phát triển kém và có thể chết.
Mặc dù mùa đông năm nay dự báo không khí lạnh có khả năng hoạt động yếu hơn mọi năm; rét đậm, rét hại có thể xuất hiện muộn và số ngày rét đậm, rét hại cũng có xu hướng thấp hơn. Tuy nhiên, vẫn cần đề phòng các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh đặc biệt trong các tháng 12-1-2. Đây cũng là giai đoạn dễ xảy ra sương muối, băng giá. Nơi xuất hiện sương muối, băng giá nhiều nhất sẽ là các tỉnh vùng núi Bắc Bộ như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Một số nơi trung du Bắc Bộ cũng có hiện tượng này. Thậm chí vùng núi Thanh Hóa, phía Tây Nghệ An cũng có thể xuất hiện. Các tỉnh từ Hà Tĩnh trở vào đến Nam Bộ hầu như không có 2 hiện tượng này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!