Phân loại rác thải tại nguồn: Cần đồng bộ tất cả các khâu

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 17/11/2023 19:47 GMT+7

VTV.vn - Theo các chuyên gia môi trường để việc phân loại được hiệu quả, từ khâu thu om, xử lý cần được đầu tư hơn nữa đặc biệt cơ sở hạ tầng và các nhà máy để xử lý cho từng loại.

Lộ trình phân loại rác thải tại nguồn

Từ 1/1/2025, tức chỉ còn hơn 1 năm nữa, cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác.

Các địa phương sẽ còn rất nhiều việc phải làm từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu từ đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, đến xử lý tái chế rác thải sinh hoạt.

Gần 3 năm nay, bà Hà và nhiều hộ dân ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội - nơi đã từng phân loại rác tại nguồn từ cách đây gần 20 năm, đã tiếp tục quay trở lại thí điểm phân loại rác tại nguồn.

Các hộ dân được hướng dẫn phân loại rác thành 2 loại: Rác tái chế bao gồm nylon, chai thủy tinh.. được thu gom riêng, để tái chế...và rác còn lại, bao gồm cả hữu cơ, sau đó đưa ra điểm thu gom.

Phân loại rác thải tại nguồn: Cần đồng bộ tất cả các khâu - Ảnh 1.

Nhiều hộ dân ở phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm đã tiếp tục quay trở lại thí điểm phân loại rác tại nguồn.

Trong 3 năm qua, quận Hoàn Kiếm đã thu gom được 2.500 tấn rác tái chế. Việc phân loại rác mặc dù chưa triệt để nhưng đã mang lại sự chuyển biến lớn về môi trường.

Tuy nhiên, để không lặp lại câu chuyện hơn 10 năm trước, rác sau phân loại đổ chung vào 1 xe thu gom và chưa được tái chế triệt để, khiến nhiều người dân không duy trì lâu dài, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.

Hiện nay, một số địa phương vẫn đang thực hiện phân loại rác tại nguồn, tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường để việc phân loại được hiệu quả, từ khâu thu gom, xử lý cần được đầu tư hơn nữa đặc biệt cơ sở hạ tầng và các nhà máy để xử lý cho từng loại rác.

Để thực thi quy định phân loại rác thải tại nguồn, TP Hà Nội và nhiều đô thị sẽ triển khai nhiều biện pháp như tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng các trạm trung chuyển, phương tiện, nhân lực thu gom, vận chuyển riêng biệt từng loại rác và cách tính phí xử lý rác theo khối lượng hay theo thể tích cần có các quy định cụ thể.

Bà Ngô Thanh Loan - Trưởng phòng truyền thông, Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) cho hay: "Cho đến thời điểm hiện tại chưa có hướng dẫn cụ thể của thành phố. Chúng tôi mong thành phố sớm có kế hoạch phân loại chất thải sinh hoạt, kèm theo đó là đơn giá định mức, cho công tác thu gom vận chuyển đối với từng loại rác được phân loại".

"Trước mắt quận phối hợp URENCO - là đơn vị thu gom vận chuyển từng bước xây dựng phương án. Sau khi có hướng dẫn chính thức về kỹ thuật, đơn giá thì quận sẽ triển khai thực hiện", ông Trịnh Hoàng Tùng - Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội nói.

Thiếu hạ tầng xử lý rác ở các địa phương

Việc đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế rác thải sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phân loại rác tại nguồn.

Chính vì vậy, việc đầu tư, huy động các nguồn lực cho hạ tầng xử lý, tái chế rác thải được rất nhiều địa phương quan tâm, nhất là các vùng nông thôn, miền núi nơi việc xử lý rác thải đang gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ghi nhận của phóng viên tại một trong số những bãi rác ở huyện Văn Bàn tỉnh Lào Cai, cho đến thời điểm này sau hơn 20 năm hoạt động bãi rác đã trở nên quá tải và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mỗi ngày có khoảng 10 tấn rác thải của thị trấn Khánh Yên và 1 xã đưa về bãi rác này chôn lấp thủ công. Người dân thường xuyên chăn thả trâu bò và nhặt rác, đốt rác… khiến bãi rác ngày càng ô nhiễm.

Chính quyền huyện đã có chủ trương đóng cửa bãi rác, quy hoạch địa điểm mới, nhưng do ngân sách khó khăn, dân cư phân tán, quãng đường vận chuyển rác xa nên hơn 4 năm qua chưa huy động được nhà đầu tư nào.

Phân loại rác thải tại nguồn: Cần đồng bộ tất cả các khâu - Ảnh 2.

Hiện nhiều bãi rác bị quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng.

Huyện Văn Bàn có kế hoạch thí điểm phân loại rác thải tại nguồn tại một số xã vào năm tới. Nhưng với thực trạng chôn lấp rác lẫn lộn như thì sẽ khó vận động người dân.

Một giải pháp đang được quan tâm ở Lào Cai đó là nâng công suất Nhà máy xử lý, tái chế rác thải duy nhất trên toàn tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải liên vùng cho các huyện, thị.

Khối lượng rác thải ở các khu vực miền núi, nông thôn và cả nước vẫn không ngừng gia tăng, trên 12% mỗi năm. Hàng ngày vẫn có tới 85% trong số trên 67.000 tấn chất thải sinh hoạt mỗi ngày trong cả nước đang xử lý theo hình thức chôn lấp không phân loại, khiến nhiều bãi rác quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng.

Giải pháp thúc đẩy phân loại rác

Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố có trách nhiệm bố trí, lựa chọn hạ tầng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, giám sát việc thực thi, phổ biến tuyên truyền cho người dân về phân loại rác. Ngoài ra, các địa phương sẽ quy định chi tiết về giá đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho hay: "Bên cạnh chuẩn bị về nhận thức, trang bị hạ tầng thì các địa phương nên hình dung ngay thiết kế sau phân loại đưa về đâu và đưa nó trở thành một chuỗi của quá trình phân loại ấy, như vậy mới thành công được".

Theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài Nguyên và Môi trường: "Ba yêu cầu để chúng ta có thể thực hiện thành công là tài chính, năng lực, công nghệ...".

Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế… cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Trong khi đó, việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế.

Làm sao để phân loại rác tại nguồn thành một phần cuộc sống người dân? Làm sao để phân loại rác tại nguồn thành một phần cuộc sống người dân?

VTV.vn - Chỉ còn gần 1 tháng nữa Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường có hiệu lực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước