Kiểm tra đột xuất một điểm tập kết, kinh doanh hàng hóa, chiều 13/4, Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện và tạm giữ hàng nghìn thùng bánh không rõ nguồn gốc xuất xứ, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ.
Qua xác minh ban đầu, hầu hết số bánh kẹo này được bán cho người tiêu dùng thông qua các trang thương mại điện tử, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý.
Phía bên trong một kho tập kết hàng hóa tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện 1.300 thùng bánh có dấu hiệu nghi vấn. Quá trình kiểm tra, đại diện doanh nghiệp không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.
"Có thể thấy hộp bánh được trình bày rất bắt mắt, chữ tượng hình và nếu như chỉ xem qua trên môi trường Internet thì rất dễ nhầm tưởng đây là hàng nội địa cao cấp của Trung Quốc, nhưng thực tế đây là hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ", ông Nguyễn Đức Nguyên, Kiểm soát viên Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cho biết.
Đáng nói, những loại bánh đa dạng màu sắc, mùi vị này được quảng cáo là bánh nội địa Trung Quốc, những món ăn vặt hấp dẫn của giới trẻ. Dễ tìm kiếm, dễ mua và chất lượng chỉ được kiểm chứng bằng đánh giá bằng lượt mua hay lượt yêu thích trên các trang mạng.
Thực tế cho thấy, một số sàn thương mại điện tử hay các trang bán hàng qua mạng xã hội đang thiếu sự kiểm soát chặt chẽ, xác minh nguồn gốc các loại hàng hóa. Đây chính là kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng hình thức thương mại điện tử để gian lận, buôn lậu.
"Thị hiếu của người tiêu dùng đang bị môi trường kinh doanh thương mại điện tử làm phụ thuộc hoàn toàn vào người bán, người ta đưa ra các quảng cáo, nhưng lại không có một chút thông tin gì về nguồn gốc xuất xứ, liên quan đến chất lượng của hàng hóa đó; không có một tiêu chí gì liên quan đến bảo vệ của nhà nước trong an toàn thực phẩm dẫn đến những thiệt hại mà nhiều nhất là ở phía người tiêu dùng", ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội, nhận định.
Dự báo trong 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ gia tăng, do đó để ngăn chặn tình trạng này, Chính phủ vừa chính thức phê duyệt Đề án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử nhằm bảo đảm hoạt động thương mại điện tử minh bạch, bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!