Phía sau vụ việc dùng loa phóng thanh náo động nơi tu tập

Nhóm phóng viên Chuyển động 24h-Thứ sáu, ngày 18/02/2022 20:41 GMT+7

VTV.vn - Xe chở loa bật đủ thể loại nhạc to cỡ đại đã trả lại bình yên cho 57 ni sư tại một huyện tỉnh Lâm Đồng nhưng nguyên nhân sâu xa nào đằng sau vụ việc?

Một tuần trước, chương trình Chuyển động 24h có phản ánh về vụ việc ở thị trấn Đạ M'ri, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Một xe ô tô chở loa công suất lớn, liên tục nhiều ngày chĩa thẳng âm thanh vào nơi ở của gần 60 ni sư. Xe này phát đủ thể loại nhạc với âm lượng to hết cỡ, khiến cuộc sống của những người tu hành này bị ảnh hưởng nghiêm trọng, mà nhiều người dùng từ "bị tra tấn" để mô tả.

Phía sau vụ việc dùng loa phóng thanh náo động nơi tu tập - Ảnh 1.

Để làm rõ nguồn cơn vấn đề và những thông tin liên quan, phóng viên đã có nhiều ngày ở lại địa bàn để tìm cách tiếp cận các bên liên quan và chính quyền địa phương. Nhưng để có được những thông tin chính thống cũng không hề dễ dàng, ngoài một số giấy tờ do các ni sư tại đây cung cấp.

Vào thứ Sáu tuần trước, khi nhóm phóng viên có mặt tại hiện trường chỉ chừng 1 buổi thì cảm giác nhức đầu bởi âm thanh phát ra từ dàn loa kia đã rất khó chịu. Còn với 57 ni sư sinh sống tại đây, những người dành phần lớn thời gian để tụng kinh và cần sự yên tĩnh, cảm giác được họ gọi là "tra tấn" này đã liên tục diễn ra từ trước Tết. Không chỉ bởi sự đinh tai nhức óc của âm lượng từ khoảng cách 10m mà kinh khủng hơn với họ là những ca từ về yêu đương, trai gái, hẹn hò liên hồi từ 7h sáng đến 10h tối mỗi ngày.

Hàng chục nghìn bình luận chia sẻ với nỗi khổ của các ni sư, bức xúc trước hành vi thiếu văn hóa gây mất trật tự được khán giả gửi về chương trình. Nhưng ngược lại, cũng có vài cuộc điện thoại, tin nhắn gửi về với câu hỏi: "Đây có phải là chùa đâu mà chương trình phản ánh như vậy?", có lẽ để kéo sự việc đi chệch ra khỏi bản chất hành vi phản cảm, thiếu văn hóa, mất an ninh trật tự.

Dù có là chùa hay là nhà dân, hành vi quấy nhiễu cuộc sống của các ni sư mới là bản chất đáng lên án. Những âm thanh to đến vậy lại kéo dài nhiều ngày kiểu gì cũng phải đến tai những người có trách nhiệm.

Ni sư Nhuận Đức cho biết: "Chúng tôi có báo lên công an thị trấn. Quá 10h, công an thị trấn cũng có xuống yêu cầu tắt, còn việc giải quyết thì bên công an bảo phải báo Ủy ban. Người dân ở đây báo cho Ủy ban thì các chú lại bảo báo với công an...".

Nhóm phóng viên tất nhiên đã tìm đến chính quyền địa phương để hỏi rõ câu chuyện.

Buổi đầu tiên, tại thị trấn Đạ M'ri, nhân viên văn phòng UBND Thị trấn Đạ M'ri cho biết: "Tất cả lãnh đạo đều đi cơ sở không biết khi nào mới về"

Phóng viên: "Vậy thị trấn có thể bố trí ngày khác được không anh?"

Nhân viên văn phòng UBND Thị trấn Đạ M'ri: "Tôi cũng không biết khi nào lãnh đạo về làm sao bố trí"

Buổi tiếp theo, tại UBND huyện Đạ Huoai, vẫn một lý do các lãnh đạo và kể cả người phát ngôn của huyện cũng đều đi cơ sở. Phải đến lần thứ ba, sau khi phóng sự đã lên sóng, lúc này UBND huyện mới có người làm việc với nhóm phóng viên.

Ông Nguyễn Linh Hoạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng - cho biết: "Nói về đúng hay sai, chúng tôi thấy rằng dùng loa phát trên xe là không hợp lý và gây ảnh hưởng... Trước hết cảm ơn VTV đã phản ánh thông tin này và đã chỉ đạo cho các ngành cùng UBND thị trấn đình chỉ ngay cái việc phát thanh này và đề nghị Ủy ban thị trấn rút kinh nghiệm quản lý trên địa bàn".

Phía lãnh đạo huyện cũng cho biết, nơi ở của 57 ni sư không gọi là chùa vì chưa được cấp phép xây chùa tại địa bàn huyện. Nhưng 57 ni sư sinh sống và canh tác ở đây là hoàn toàn hợp pháp, và họ có đăng ký tạm trú đầy đủ, và đều là ni sư do Chùa Dược Sư quản lý.

Nguồn gốc của khu đất ở huyện Đạ Huoai theo thông tin là được một phật tử cúng dường cho ngôi chùa Dược Sư tại huyện Đức Trọng tỉnh Lâm Đồng. Do đó, khu đất ở Đạ Huoai là đất do Chùa Dược Sư sử dụng. Sau khi tiếp nhận phần đất này, nhà chùa đã xin giấy phép xây dựng làm nơi cho các ni sư sinh sống, canh tác, tu tập. Người ta vẫn quen gọi là "cơ sở phụ của Chùa Dược Sư". Tại tỉnh Lâm Đồng, rất nhiều ngôi chùa cũng có những cơ sở phụ được gọi cùng tên với chùa chính như vậy.

Phía Chùa Dược Sư từng có đơn gửi Ban trị sự Phật giáo huyện Đức Trọng, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng đã có ý kiến đề nghị huyện Đạ Huoai cho phép 57 ni sư của Chùa từ huyện Đức Trọng chuyển đến cơ sở ở Đạ Huoai để sinh sống, canh tác, và tu tập. Chính ông Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai là người từng ký cấp giấy phép xây dựng cho cơ sở này.

"Quyền của công dân thì công dân được xây dựng, trong nhà thì được bài trí kể cả biểu tượng, hình dáng bên ngoài muốn xây dựng kiểu nhà chùa, đền cứ vậy mà làm không bị ràng buộc" - ông Nguyễn Linh Hoạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng nói.

Tỳ kheo Ni Vĩnh Lạc, trụ trì chùa Dược Sư, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Hơn mười năm chúng tôi sống ở đó rất bình an bởi vì chính quyền bảo vệ thì chúng tôi mới được bình an. Chúng tôi cứ lặng lẽ tu và đời sống làm vườn hái trái cây rồi nuôi cá ở trên này... Mọi chuyện phức tạp mới xảy ra gần một năm nay thôi".

Tồn tại có phép từ năm 2011, cuộc sống bình yên của các ni sư trong suốt 10 năm chỉ bị đảo lộn kể từ khi khu đất bên cạnh người ta triển khai một dự án.

Hơn 10 năm chính quyền biết rõ việc 57 ni sư sinh sống tại đây một cách bình thường và hiền hòa, nhưng đến khi có một dự án xuất hiện bên cạnh, thì mới rộ lên câu hỏi kiểu "đây có phải là cơ sở tôn giáo trái phép?"

Thế nên chuyện chiếc xe đậu sát khu đất, chở dàn loa phát hết công suất những ngày qua, chắc ai cũng hiểu rằng không phải để đón xuân.

Giờ thì dàn âm thanh lưu động đó đã phải dời đi sau khi vụ việc được truyền thông phản ánh. Ít ngày qua các ni sư đã có thể trở lại cuộc sống, canh tác, tu tập bình thường vốn có của họ. Nhưng cái điều vốn có đó có thể tiếp tục kéo dài hay không vẫn còn là câu hỏi!


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước