Theo đại diện Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an, phòng cháy chữa cháy là nghề nguy hiểm. Đó là nhiệt độ cao từ đám cháy, là khói khí độc, là nguy cơ sập đổ các kết cấu xây dựng, và cả những vụ nổ bất ngờ từ những thứ có sẵn ở hiện trường. Tuy đã có sẵn phương án cho từng tình huống, nhưng vẫn có nhiều sự cố không thể lường trước. Nguy hiểm càng chồng chất khi hiện nay cán bộ chiến sĩ phòng cháy chữa cháy chưa được trang bị đầy đủ những trang thiết bị bảo hộ chuyên dụng.
Đại tá Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an cho biết: "Đa số chiến sĩ hiện vẫn mang những đồ bảo hộ thông thường. Những trang phục bảo hộ chuyên dụng mà chúng ta có thể đi sâu vào đám cháy được dưới nhiệt tầm 200-300 độ C và trong thời gian dài thì không nhiều. Chính vì vậy, có những yếu tố nguy hiểm liên quan đến lửa và những tác động khác đối với cán bộ chiến sĩ".
Thực tế cho thấy, trong 5 loại hình cháy phức tạp là cháy nhà cao tầng, siêu cao tầng; cháy ở tầng hầm, công trình ngầm quy mô lớn; cháy cơ sở sản xuất, sử dụng và bảo quản hóa chất; cháy phương tiện trên sông, trên biển và cháy rừng thì có đến 3 loại hình cháy tập trung trong các khu đô thị, dân cư đông đúc. Điều này sẽ càng gia tăng áp lực lên lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở các thành phố lớn.
"Hiện TP Hồ Chí Minh đã hình thành 5 đội khu vực và 24 đội phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ thuộc 24 quận, huyện nhằm rút ngắn bán kính bảo vệ và nâng cao hiệu quả chữa cháy. Tuy nhiên, nếu căn cứ theo quy định khoảng cách các đội là 3 km thì các địa bàn như huyện Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh gặp nhiều khó khăn trong việc đảm bảo phủ kín phạm vi hoạt động", ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.
Trong khi đó Báo cáo của Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an năm 2021 cho thấy, số lượng cán bộ chiến sĩ trực tiếp làm công tác chữa cháy đang thiếu, đặc biệt là số lượng lái xe chữa cháy. Phương tiện chữa cháy cũng thiếu, trong đó 1/3 là xe cũ và không đảm bảo chất lượng để chữa cháy. Tuy nhiên mục tiêu trước mắt Cục đặt ra là giải quyết cho được vấn đề đồ bảo hộ chuyên dụng cho cán bộ chiến sĩ.
Bên cạnh việc sớm giải quyết thiếu thốn về trang thiết bị hiện đại, lực lượng phòng cháy chữa cháy cũng cần được đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao trình độ nghiệp vụ. Mục tiêu là chiến sĩ thường xuyên được tập huấn đối với những loại hình cháy phức tạp, với những mô hình mô phỏng hiện đại, có thể áp dụng khi gặp thực tiễn chiến đấu.
Hiện trường một vụ cháy (Ảnh: TTXVN)
Cháy nổ từ những nguyên nhân không ngờ tới
6 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra gần 850 vụ cháy làm chết 41 người, thiệt hại gần 415 tỷ đồng. Hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nếu không có ý thức phòng ngừa.
Sáng 6/8, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Hà Nam kiểm tra đột xuất một số cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn thành phố Phủ Lý. Qua kiểm tra cho thấy, ngay cả những nơi công tác phòng ngừa được quan tâm sát sao, cháy nổ vẫn có thể xảy từ những nguyên nhân không ngờ tới.
Để được cấp phép hoạt động, cơ sở kinh doanh karaoke phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng cháy chữa cháy. Trên mỗi tầng nhà đều đã được trang bị các bình cứu hỏa mini. Tuy nhiên, chủ cơ sở vẫn tỏ ra khá mơ hồ khi được hỏi về kỹ năng sử dụng các thiết bị này.
- Có 2 loại bình chữa cháy là bình khí và bình bột, em có biết khi nào sử dụng bình bột và khi nào sử dụng bình khí để chữa cháy cho hiệu quả không?
-Vấn đề này em chưa nắm rõ.
- Em phải ghi nhớ bình khí thì để chữa cháy điện. Còn bình bột thì dùng chữa cháy chất lỏng chất rắn.
Thảm họa cháy nổ các cơ sở kinh doanh karaoke có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu người dân thiếu ý thức phòng ngừa. Như ở 1 phòng hát thuộc địa bàn phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên, cửa thoát hiểm đã được thiết kế đúng qui định nhưng lối thoát hiểm lại bị cản trở lưu thông.
Trong quá trình sửa chữa hệ thống điện của một cơ sở kinh doanh ở xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy cũng phát hiện những yếu tố có thể gây hỏa hoạn.
Tỉnh Hà Nam có hơn 150 cơ sở kinh doanh karaoke đang hoạt động. Sau hơn 2 năm nghỉ dịch, nhiều cơ sở sửa chữa hay lắp đặt thêm trang thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ quá tải, cháy chập điện. Vật liệu cách âm cho các phòng hát cũng rất dễ bắt lửa. Cảnh sát PCCC nhận định, cho dù đã được các cơ quan chức năng cấp phép nhưng vẫn phải thường xuyên kiểm tra công tác phòng ngừa hỏa hoạn ở các phòng hát karaoke.
Năm 2021, ở Hà Nam xảy ra 5 vụ cháy. 6 tháng đầu năm nay xảy ra 4 vụ. Tổng thiệt hại chưa tới 1 tỷ đồng. Hầu hết các vụ cháy đều là cháy nhà dân nhỏ lẻ và phương tiện giao thông. Trong số này chưa xảy ra trường hợp cháy cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke. Tuy nhiên, đối với những cơ sở kinh doanh dịch vụ, khuyến cáo vẫn luôn được đưa ra là: Đừng bất cẩn để xảy ra cháy, nếu không cả đời ân hận.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!