Chỉ trong tuần vừa qua, liên tiếp các vụ đuối nước ở trẻ em được phát hiện và thông tin trên báo chí. Gần đây nhất là vụ việc ở Lào Cai, thứ 7 vừa rồi, trên địa huyện Bát Xát, 3 trẻ nhỏ người Mông bị đuối nước dưới hồ trữ nước trồng chuối của doanh nghiệp trên địa bàn.
Trước đó, vào đầu tuần, có 1 học sinh lớp 5 đã tử vong dưới hào sâu của trong mỏ khai thác đá của một doanh nghiệp trên địa bàn xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Theo trích xuất camera ghi lại, khoảng 6h tối 22/8, có hai cháu bé vào khu vực núi đá của công ty đi chơi. Một cháu bé xuống rửa chân ở khu vực hào sâu thì bất ngờ bị ngã xuống nước. Cháu bé còn lại thấy vậy gọi bảo vệ của công ty ra cứu nhưng không kịp.
Cơ quan chức năng cho biết: vị trí em học sinh bị đuối nước có độ sâu khoảng 1 mét. Công ty này không hề cắm biển cảnh báo nguy hiểm, không có bảo vệ giám sát, kiểm tra dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Nam sinh đuối nước ở bể bơi trường học
Còn tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, một nam sinh 13 tuổi đã tử vong do đuối nước, sau hơn 1 ngày cấp cứu tại bệnh viện. Đáng nói đây lại là tai nạn xẩy ra ở bể bơi có cứu hộ.
Trong nội dung báo cáo nhà trường gửi các cơ quan liên quan cho thấy: thời điểm nam sinh đuối nước, đang có khoảng 30 người đang sử dụng dịch vụ bơi và có 2 giáo viên giám sát, dạy bơi và cứu hộ. Khi phát hiện nạn nhân đuối nước, các nhân viên cứu hộ đã lập tức đưa lên bờ, thực hiện các biện pháp sơ cứu trước khi chuyển đến bệnh viện. Nhưng nạn nhân đã tử vong sau đó hơn 1 ngày.
Bể bơi xảy ra vụ tai nạn được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh môn bơi lội và được đưa vào hoạt động khai thác từ hơn 3 năm nay. Hàng năm nhà trường đều thành lập tổ khai thác bể bơi vào mùa hè để phục vụ nhu cầu của người dân.
Cũng tương tự như vụ việc tại Nghệ An, tai nạn xảy ra ở một cơ sở được phép hoạt động bơi lội và dạy bơi. Ngay trong giờ học bơi của một trường phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, một vụ đuối nước cũng đã xảy ra. Trách nhiệm ngay lập tức được xác định là thuộc về giáo viên dạy bơi.
Phải giám sát khi trẻ ở dưới nước
Hình ảnh trích xuất từ camera ở bể bơi cho thấy: sau khi dẫn nhóm hơn 10 học sinh vào bể bơi, thầy giáo không huấn luyện cho các em trong suốt buổi học mà chỉ ngồi ở ghế đầu bể bơi sử dụng điện thoại. Trong khi đó, nước dưới bể bơi khá đục, khó quan sát được phía đáy bể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến vụ đuối nước không được phát hiện ngay.
Cơ quan điều tra Công an quận Hà Đông, Hà Nội đã khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự đối với giáo viên này để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Thông tin từ nhà trường cho biết: giáo viên chịu trách nhiệm buổi học bơi hôm đó vừa được nhà trường tuyển dụng từ tháng 4, có bằng cấp đầy đủ về dạy bơi, đã có kinh nghiệp 3 năm trong nghề. Bể bơi nằm trong khuôn viên của trường học và được giao cho 1 đơn vị tư nhân cùng khai thác. Hôm xảy ra tai nạn, tại bể bơi chỉ có thầy giáo này với các em học sinh. Người phát hiện ra nạn nhân đuối nước lại là nhân viên vệ sinh của bể, sau khi nhóm học sinh này đã ra về.
Con số thống kê hàng năm và các nghiên cứu xã hội học cho thấy: hầu hết các vụ đuối nước là do sự chủ quan, bất cẩn của gia đình cũng như trách nhiệm của các cơ quan quản lý. Chính vì vậy, nhiều dự án và chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em được triển khai hiện nay không chỉ hướng đến dạy bơi và các kỹ năng an toàn cho trẻ em, mà còn đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người lớn về việc đảm bảo an toàn cho con em mình trong môi trường nước.
Nhiều dự án phòng chống đuối nước cho trẻ em bằng nguồn xã hội hoá đang được triển khai một vài năm qua ở nhiều trường học. Môn bơi cũng đã được nhiều nhà trường triển khai linh hoạt như một nội dung của môn Giáo dục thể chất. Đổ lỗi cho việc thiếu thốn cơ sở vật chất khiến trẻ em không có cơ hội học bơi từ nhỏ đã không còn phù hợp nữa. Việc bảo vệ trẻ em khỏi mọi tai nạn thương tích, trong đó có đuối nước trước tiên và trên hết vẫn là vai trò của người lớn.
Từ năm 2018, chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em Việt Nam đã được triển khai ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam. Chương trình do Quỹ từ thiện Bloomberg tài trợ thông qua Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới WHO, phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện. Thống kê cho thấy: số trẻ em tử vong vì đuối nước ở những địa phương có triển khai chương trình này đã giảm 30% nhờ được học kỹ năng bơi lội an toàn và tuyên tuyền nâng cao nhận thức của người giám sát trẻ. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của việc trang bị cho trẻ em những kỹ năng này càng sớm càng tốt.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!