Ngày 16/1, BVĐK Tâm Anh phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình tư vấn về chủ đề "Chạy thận - Lọc máu chu kỳ: Những lưu ý trong mùa Tết cho người suy thận, tăng huyết áp". Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia BVĐK Tâm Anh Hà Nội: TS.BS Mai Thị Hiền, Phó khoa Nội Tổng hợp, Trưởng Đơn nguyên Thận nhân tạo; TS.BS Vũ Thị Thanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng; TS.BS Nguyễn Thị Duyên, Phó khoa Tim mạch.
Theo ghi nhận thực tế tại BVĐK Tâm Anh, vào những dịp lễ Tết, số lượng người bệnh tăng huyết áp hay mắc các bệnh về thận, nhất là người đang chạy thận nhập viện cấp cứu gia tăng do ăn uống không điều độ, không tuân thủ lịch chạy thận… Một số thói quen sinh hoạt ngày Tết có thể khiến người mắc bệnh nền hay người chạy thận trở nặng, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng.
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hiện nay có hơn 10% dân số toàn cầu mắc bệnh thận mạn. Mỗi năm, bệnh lý này cướp đi mạng sống của 5-10 triệu người. Riêng Việt Nam, ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và 8000 trường hợp mắc mới mỗi năm.
Suy thận gây tăng huyết áp và ngược lại, tăng huyết áp gây tăng áp lực dòng máu tới mạch máu lớn gây phá hủy các mạch máu lớn trong cơ thể, cũng như các mạch máu nhỏ trong đó có cuộn mao mạch cầu thận gây suy giảm chức năng thận, từ đó làm giảm khả năng lọc bỏ chất cặn bã trong quá trình chuyển hóa của cơ thể. Tăng huyết áp do suy thận đi kèm biến chứng tim mạch như bệnh mạch vành, phì đại thất trái, suy tim…
Theo TS Mai Thị Hiền, hiện nay số lượng người bệnh thận mạn tính và suy thận giai đoạn cuối phải lọc máu có xu hướng tăng. Vào dịp lễ tết, nhu cầu lọc máu càng tăng cao hơn. Người bệnh suy thận khi đã phải lọc máu rồi thì thường không thể tự đi tiểu được, cơ thể không thải ra được nước, muối và các chất cặn bã. Trong khi đó vào dịp tết, mọi người có xu hướng ăn uống nhiều hơn so với bình thường, không đến bệnh viện chạy thận theo lịch do kiêng cữ năm mới… dẫn tới không ít trường hợp phải lọc máu cấp cứu. Tại BVĐK Tâm Anh, dịch vụ lọc máu làm việc 24/7, luôn luôn có các bác sĩ và điều dưỡng túc trực để phục vụ người bệnh.
TS Hiền cho biết thói quen sinh hoạt không điều độ dịp Tết có thể gây ảnh hưởng xấu đến thận.
TS Vũ Thị Thanh cho biết bệnh thận mạn, suy thận dẫn tới thay đổi chuyển hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng, do đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng với bệnh nhân suy thận, góp phần giúp ngăn bệnh tiến triển nặng và giữ cho cơ thể đỡ mệt mỏi. Người bệnh suy thận cần chú ý đảm bảo chế độ dinh dưỡng cung cấp mức năng lượng phù hợp cho cơ thể, tránh ăn thiếu hoặc thừa.
TS Thanh tư vấn về chế độ dinh dưỡng cho người suy thận dịp Tết
TS Thanh cho biết thêm người bệnh suy thận cần có chế độ ăn đầy đủ, toàn diện. Người bệnh cần hạn chế protein, tuy nhiên không có nghĩa phải kiêng hoàn toàn. Protein thiết yếu có giá trị sinh học cao giúp tái tạo sửa chữa tế bào, ngăn thiếu máu, nằm trong nhóm đạm động vật. Protein có giá trị sinh học thấp nằm trong nhóm đạm thực vật. Bác sĩ sẽ xem xét tình trạng dinh dưỡng của người bệnh để quyết định tỷ lệ protein phù hợp. TS Thanh cũng khuyến cáo người bệnh suy thận nên kiểm soát định lượng thực phẩm và lượng muối trong chế độ ăn, tránh ăn thừa sẽ sản sinh ra các chất độc, gây nguy hiểm cho thận và sức khỏe nói chung.
Theo TS Duyên, tăng huyết áp và suy thận có mối quan hệ nhân quả, cộng hưởng. Tăng huyết áp có thể dẫn tới suy thận và ngược lại. Người mắc cả 2 bệnh này thì rủi ro phải đối mặt cao hơn nhiều lần. Nghiên cứu trong 20 năm trên 300.000 ng ở Mỹ cho thấy những ở giai đoạn tiền người tăng huyết áp có tình trạng giảm mức lọc cầu thận với tỷ lệ 12.9%. Thậm chí ở giai đoạn 2 hoặc 3 của tăng huyết áp thì tỷ lệ mắc bệnh thận mạn có thể lên đến 31-34%.
TS Duyên cho biết tăng huyết áp và suy thận có mối liên hệ nhân quả, cộng hưởng.
Về nguyên nhân dẫn đến tổn thương suy thận sau tăng huyết áp, TS Duyên cho biết tăng áp lực lọc ở cầu thận dần dần làm tổn thương tế bào ở màng đáy, việc mất protein qua màng đáy này dần gây xơ hóa cầu thận, xơ hóa ống thận kẽ, cuối cùng có sự mất bù, tức là các tế bào cầu thận còn lại phải tăng cường làm việc, dẫn tới tăng huyết áp. Bên cạnh đó ở người tăng huyết áp còn có tình trạng tăng độ cứng thành mạch, xơ vữa dẫn tới hẹp nhánh động mạch thận, giảm lưu lượng máu đến thận, gây vòng xoắn bệnh lý là suy thận tăng lên.
TS Duyên dẫn chứng thống kê năm 2016 của Hội Tim mạch Việt Nam cho thấy đến nay tỷ lệ tăng huyết áp ở người trên 25 tuổi lên đến 46%, trong đó chỉ 36.7% có nhân thức về bệnh, 37% được điều trị bằng thuốc, tỷ lệ tuân thủ điều trị chỉ 7.7%. Con số này cho thấy nguy cơ gia tăng tình trạng tăng huyết áp biến chứng suy thận trong thời gian tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!