Tại Trung tâm Nhi của bệnh viện Bạch Mai, chủ yếu bệnh nhi nhiễm virus Adeno dưới 5 tuổi. Cũng có một số trường hợp lớn hơn nhưng là nhiễm virus Adeno trên nền các bệnh lý khác như Lupud ban đỏ, hen phế quản... hầu hết phải hỗ trợ thở oxy do viêm phổi nặng.
Đây là bệnh truyền nhiễm đã lưu hành từ lâu, không phải là bệnh mới nổi. Năm nay số mắc cao hơn nhiều nhưng không phải trường hợp nào cũng có chỉ định xét nghiệm và không phải trường hợp nào có kết quả dương tính cũng phải nhập viện.
Xét nghiệm virus Adeno cần có chỉ định của bác sĩ. Việc gia đình tự xét nghiệm dịch vụ là không cần thiết, vì chỉ lãng phí mà không giải quyết được gì. Quan trọng là lưu ý phòng bệnh, như: cho trẻ nhỏ bú mẹ đến 2 tuổi, chế độ ăn phù hợp, vệ sinh mũi họng hàng ngày, thường xuyên rửa tay, tránh để trẻ nhiễm lạnh, đeo khẩu trang khi ra ngoài và tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch.
* Trong khi đó, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đang gấp rút chuẩn bị kịch bản ứng phó với bệnh đậu mùa khỉ. Ngày 7/10, Đoàn công tác Bộ Y tế đã có buổi kiểm tra thực tế công tác phòng chống bệnh đậu mùa khỉ tại TP Hồ Chí Minh.
Ngoài việc, quan tâm giám sát, phát hiện ca mắc qua đường nhập cảnh tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, các cảng biển, Sở Y tế TP còn được lưu ý cần tập trung vào các phòng khám về bệnh lây qua đường tình dục, da liễu và phối hợp với Chương trình Phòng chống HIV để có những tầm soát, phát hiện sớm cho người có nguy cơ do đường lây của bệnh đậu mùa khỉ tương đối phức tạp.
Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cần chủ động tích cực tham mưu cho UBND thành phố kịch bản đáp ứng với đậu mùa khỉ và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt ở các quận huyện, các nhóm nguy cơ cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!