Chưa đến 60% học sinh lớp 9 được vào lớp 10 THPT công lập năm học 2023 - 2024 tại Hà Nội là thông tin khiến nhiều phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 10 lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Nếu như cách đây 1 tháng là ghi danh, thời gian này nhiều phụ huynh đã chủ động tìm giải pháp an toàn nhất cho con, sẵn sàng xuống tiền để giữ chỗ học tại các trường tư thục, phòng khi con không đỗ vào trường THPT công lập Hà Nội.
Những ngày qua nhiều bà mẹ vẫn đang miệt mài đi tìm phương án trường lớp khi con chuẩn bị chuyển cấp.
"Mất phí giữ chỗ là 3 triệu đồng/tháng sẽ được trừ vào học phí tháng đầu của con", tư vấn của một trường dân lập nói.
Đã có nhiều phụ huynh sẵn sàng xuống tiền, dù nếu sau đó con đỗ vào trường cấp 3 công lập thì khoản tiền trên sẽ không được hoàn lại.
"Bao giờ ai cũng có phương án dự phòng nên mình có đăng ký và đóng phí giữ chỗ cho con chắc chân vào trường, đỡ phải suy nghĩ", chị Phạm Thị Liên - quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết.
Càng gần đến đến ngày thi vào lớp 10, càng nặng gánh nỗi lo. Dù mất chi phí nhưng bù lại phụ huynh sẽ yên tâm hơn.
Theo kế hoạch phân luồng, cứ 10 học sinh lớp 9 ở thủ đô sẽ có chưa đến 6 em có chỗ học ở lớp 10 công lập. Còn lại 30.000 học sinh sẽ phân bổ ở hệ thống 100 trường THPT ngoài công lập, số ít vào trường nghề.
Rải hồ sơ ở nhiều trường, đồng nghĩa với việc tỷ lệ ảo lớn. Như trường THPT Đoàn Thị Điểm, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, chỉ tiêu 500 nhưng hồ sơ nhận vào đã lên tới hơn hàng nghìn, buộc nhà trường đã phải thông báo tạm dừng nhận mới.
Đã có chủ trương phân luồng từ cấp THCS, nhưng thực tế số lượng học sinh muốn vào học trường nghề không nhiều. Chấp nhận mất tiền, thậm chí rất nhiều tiền để con có thêm cơ hội học tập lên bậc THPT, vì vậy trong giai đoạn này trong khi con căng đầu vì kỳ thi, bố mẹ lại căng mình vì chọn thêm phương án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!