Các chuyên gia kịp thời đưa ra những khuyến cáo phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe cho thai phụ và thai nhi trong Chương trình Tư vấn trực tuyến "Tiêm vaccine cho phụ nữ trước & trong mang thai".
Đây là khuyến cáo mà các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực y tế dự phòng đã chia sẻ trong Chương trình Tư vấn trực tuyến "Tiêm vaccine cho phụ nữ trước & trong mang thai" diễn ra vào tối 2/12.
Theo BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM, mang thai là điều hết sức kỳ diệu. Cơ thể người mẹ đón nhận cơ thể thai nhi trong tử cung và để tránh các phản ứng đào thải, giữ lại thai nhi trong buồng tử cung, hệ thống miễn dịch mủa người mẹ phải tự điều tiết giảm xuống mức thấp nhất. Điều này khiến mẹ bầu có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, tăng nặng những bệnh có sẵn, rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Đặc biệt đối với những mẹ bầu có bệnh lý nền: đái tháo đường, tăng huyết áp, suyễn, COPD… nguy cơ mắc bệnh, tăng nặng bệnh nền, tỷ lệ biến chứng nặng và nguy cơ tử vong càng tăng cao gấp nhiều lần.
"Đơn cử như năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều phụ nữ mang thai mắc Covid-19 sau đó bệnh diễn tiến nặng phải điều trị dài ngày trong Khoa Hồi sức tích cực - ICU, nhiều trường hợp không thể qua khỏi. Do đó đối tượng phụ nữ mang thai đặc biệt nhạy cảm khi có các yếu tố bệnh truyền nhiễm, đồng nhiễm, bội nhiễm", BS Mỹ Nhi chia sẻ.
Theo các bác sĩ, nếu phụ nữ mang thai nhiễm virus Rubella trong 12 tuần lễ đầu tiên của thai kỳ thì các nhà sản khoa buộc phải tư vấn dừng thai kỳ vì thai nhi nguy cơ cao mắc những dị tật bẩm sinh nghiêm trọng như: mù, điếc, liệt, não úng thủy,... Tương tự, nếu mắc cúm trong thai kỳ, thai nhi cũng có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh, bản thân người mẹ phải đối diện với những tai biến thai kỳ nặng như sảy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, trẻ nhẹ cân, dị tật và kém phát triển. Nếu trẻ mắc uốn ván sơ sinh do vệ sinh kém trong quá trình chào đời, cắt dây rốn bằng những dụng cụ không được tiệt trùng kỹ càng mà trước đó không có kháng thể phòng uốn ván thì hậu quả nặng nề nhất là khiến trẻ tử vong trong đau đớn và ám ảnh.
BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi - Giám đốc Trung tâm Sản phụ khoa, BVĐK Tâm Anh, TP.HCM cho biết, sức khỏe của phụ nữ mang thai bị đe dọa nghiêm trọng nếu mắc các bệnh truyền nhiễm, tăng các biến chứng nặng trong thai kỳ.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho hay, các mầm bệnh như cúm, rubella, quai bị, sởi, uốn ván luôn có sẵn trong môi trường bên ngoài và lưu hành quanh năm. Tuy nhiên, mùa đông - xuân thời tiết thay đổi thất thường, lạnh giá, mưa nhiều, độ ẩm cao là điều kiện cho các mầm bệnh phát triển mạnh mẽ nhất, tăng mật độ virus, vi khuẩn trong môi trường, cơ thể người phụ nữ mang thai vốn yếu ớt nay càng tăng cao nguy tiếp xúc với mầm bệnh, tăng khả năng mắc bệnh và diễn tiến nặng đến cơ thể của mẹ, gây hại cho thai nhi khi lây truyền qua nhau thai gây nên tình trạng dị dạng thai.
Do đó tất cả mọi quốc gia luôn có những chương trình y tế dự phòng đề cao bảo vệ sức khỏe đối với phụ nữ mang thai, điển hình như tiêm phòng trước khi mang thai để cơ thể sẵn có những miễn dịch chống lại các bệnh tật. Những bệnh truyền nhiễm: cúm, rubella, quai bị, sởi, uốn ván… đều đã được phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Phụ nữ nên tiêm đầy đủ vaccine trước khi mang thai, trong khi mang thai để bảo vệ sức khỏe của chính mình và thai nhi.
"Điều kỳ diệu là khi phụ nữ tiêm đầy đủ vaccine trước mang thai, trong khi mang thai sẽ sản sinh ra lượng kháng thể. Không chỉ bảo vệ cho phụ nữ khỏi các yếu tố nguy cơ mắc bệnh, bệnh nặng, lượng kháng thể này có thể truyền qua nhau thai vào thai nhi. Sau khi bé chào đời, lượng kháng thể này giúp bảo vệ và che chở cho bé chống lại bệnh truyền nhiễm trong những tháng đầu đời khi chưa đủ tuổi tiêm vaccine"- BS Bạch Thị Chính nhấn mạnh.
Trước những băn khoăn của rất nhiều chị em phụ nữ trẻ tuổi đang có dự định lập gia đình và sinh con trong thời gian tới, và nhiều mẹ bầu đang trong thai kỳ rằng các loại vaccine nào cần tiêm trước khi mang thai, loại vaccine nào có thể tiêm trong khi mang thai, Bác sĩ Lưu Bằng Phi - Bác sĩ Trưởng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết, trong mỗi giai đoạn chị em phụ nữ được chỉ định mỗi loại vaccine khác nhau, bởi vai trò của từng loại vaccine cũng khác nhau.
Bác sĩ Lưu Bằng Phi - Bác sĩ Trưởng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC chia sẻ về lịch tiêm cho phụ nữ trước khi mang thai, trong khi mang thai.
Giai đoạn tiêm vaccine trước khi mang thai có vai trò giúp phụ nữ phòng những bệnh nguy hiểm có thể đe dọa mẹ và bé trong lúc mang thai, có thể sảy thai, thai chết lưu, sinh non, dị dạng thai nhi. Trước khi mang thai 3 tháng phụ nữ nên tiêm đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh sởi - quai bị - rubella, thủy đậu, viêm gan A, viêm gan B. Một tháng trước khi mang thai, phụ nữ hoàn tất tiêm các vaccine phòng cúm, phế cầu khuẩn, viêm màng não mô cầu A, C, Y, W, ung thư cổ tử cung và các bệnh do HPV, ho gà - bạch hầu - uốn ván.
Đối với các vaccine sống giảm độc lực như Sởi - Quai bị - Rubella, Thủy đậu, phụ nữ mang thai có chống chỉ định tiêm phòng. Do đó, nếu không tiêm đầy đủ trước khi mang thai, chị em không thể tiêm bổ sung khi đang trong thai kỳ, điều này khiến mẹ và bé đều mất đi cơ hội phòng bệnh.
Trong quá trình mang thai nhưng trước đó chưa được tiêm phòng đầy đủ chị em chỉ có thể tiêm bổ sung một số loại như vaccine phòng cúm, uốn ván, ho gà - bạch hầu - uốn ván; cân nhắc tiêm vaccine viêm gan B, vaccine phòng viêm màng não mô cầu A, C, Y, W nếu thai phụ có nguy cơ cao mắc bệnh. Với vaccine cúm và vaccine Boostrix phòng ho gà - bạch hầu - uốn ván có thể tiêm từ 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ). Riêng với vaccine cúm nên tiêm nhắc lại mỗi năm một lần để đạt hiệu quả phòng bệnh tối đa.
Tại Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC đang có đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh, tăng cường đề kháng cho phụ nữ chuẩn bị mang thai và đang mang thai. Chị em phụ nữ có thể đến một trong gần 100 trung tâm tiêm chủng VNVC trên toàn quốc để được các bác sĩ khám sàng lọc, tư vấn các mũi tiêm, các loại vaccine và lịch tiêm cụ thể, phòng bệnh tốt nhất để bảo vệ sức khỏe đón con yêu bình an khỏe mạnh chào đời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!