Sau 20 ngày chờ đợi (kể từ khi cầu Phong Châu sập ngày 9/9, đúng 6 giờ ngày 30/9, Lữ đoàn công binh 249 (Binh chủng Công binh) đã cho thông xe nối hai bờ sông Hồng thuộc huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao, trong sự mong đợi, vui mừng của người dân Phú Thọ và các tỉnh, thành phố khác.
Thế nhưng, chỉ sau 1 ngày, cầu phao Phong Châu phải tạm dừng hoạt động để đảm bảo an toàn cho người dân do mực nước sông Hồng dâng cao, nước cuốn mạnh, nhiều cây cối, vật cản trôi mắc vào, gây áp lực lên cầu phao.
Ngày 03/10, tại Hội nghị giao ban Bộ Quốc phòng tháng 9, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị yêu cầu, Binh chủng Công binh phối hợp với Quân khu 2 và tỉnh Phú Thọ nghiên cứu phương án sử dụng phà chuyên dụng để vận chuyển người dân qua sông.
"Trước mắt, khi chưa thể tái lắp cầu phao, Binh chủng Công binh nghiên cứu tổ chức phà thay thế, chỉ chở người dân đi xe máy, đi bộ qua sông. Việc vận hành phà cần đặc biệt chú ý về công tác an toàn", Đại tướng Phan Văn Giang chỉ đạo.
Giải pháp nào cho xe ôtô di chuyển qua trạm thu phí đầu cầu Văn Lang?
Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp mà người dân huyện Tam Nông ưu tiên hàng đầu là di chuyển qua cầu Văn Lang.
Tuy nhiên, tuyến đường từ các xã Dân Quyền, Hưng Hóa, Hương Nộn, Bắc Sơn, Vạn Xuân... di chuyển sang TP. Việt Trì và tỉnh Vĩnh Phúc phải đi qua 2 trạm thu phí BOT.
Anh Triệu Ngọc Nhất, người thường xuyên di chuyển qua cầu Văn Lang cho biết: "Nhà tôi ở xã Hương Nộn, tôi thường xuyên đến TP Việt Trì bằng ôtô. Tuy nhiên, với quãng đường chưa đến 20km, tôi phải đi qua 2 trạm thu phí (trạm thu phí Tam Nông nằm trên Quốc lộ 32C phải trả 41.000 đồng, trạm thu phí đầu cầu Văn Lang là 40.000 đồng)".
"Ngày nào tôi cũng đi 2 lần, tổng số tiền phải trả cho một ngày khoảng gần 170.000 đồng (chưa tính tiền xăng xe). Đối với người đi ít thì không sao, nhưng với người đi nhiều thì thật sự tốn kém", anh Nhất cho biết thêm.
Liên quan đến nội dung này, anh Hoàng Mạnh Tiến (lái xe taxi tại xã Hương Nộn, huyện Tam Nông) chia sẻ: "Từ nhà tôi sang TP. Việt Trì đi qua cầu Văn Lang là gần nhất. Thế nhưng, tôi phải đi qua cầu Ngọc Tháp, sang Hà Thạch rồi xuống TP. Việt Trì. Tuyến đường này xa hơn nhiều so với tuyến đường cầu Trung Hà và cầu phao Phong Châu".
"Rất mong Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ (trạm thu phí Tam Nông) và Công ty TNHH BOT Phú Hà (trạm thu phí đầu cầu Văn Lang) xem xét, giảm mức thu phí đường bộ cho người dân có hộ khẩu thường trú tại huyện Tam Nông và huyện Thanh Thủy", anh Tiến nói.
Trao đổi nội dung này với Quản lý trạm thu phí đầu cầu Văn Lang thì được biết: "Hiện nay trạm thu phí đầu cầu Văn Lang chưa có chính sách giảm phí cho người dân địa phương, những ai di chuyển nhiều qua cầu Văn Lang có thể mua vé tháng (không giới hạn lượt di chuyển trong vòng 30 ngày), với số tiền là 1.208.000 đồng".
Cùng với đó, Quản lý trạm thu phí huyện Tam Nông nằm trên Quốc lộ 32C (xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) khẳng định: "Nhiều năm trở lại đây, trạm thu phí Tam Nông đã áp dụng giảm mức phí đối với những cá nhân có hộ khẩu thường trú tại huyện Tam Nông xuống còn 16.000 đồng (áp dụng với xe ôtô dưới 12 chỗ ngồi, xe tải có trọng tải dưới 12 tấn; các loại xe buýt vận tải hành khách công cộng). Hồ sơ chỉ cần, căn cước công dân và đăng ký xe ôtô (photo mỗi loại 2 bản), rồi nộp cho trạm thu phí Tam Nông. Đối với những người di chuyển nhiều lượt/ ngày, có thể mua vé tháng với số tiền là 501.000 đồng/ tháng".
Nhiều người dân đang mong các cơ quan chức năng xem xét, tạo điều kiện giảm phí để người dân huyện Tam Nông, huyện Thanh Thủy sớm ổn định cuộc sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!