Hơn 97.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn mại dâm. Hơn 200.000 người nghiện và sử dụng trái phép chất ma túy đang có hồ sơ quản lý. Đó là những con số trên bề nổi trong thống kê của Bộ LĐ-TB&XH về tình hình tệ nạn mại dâm, ma túy trên toàn quốc trong 8 tháng đầu năm nay.
TP.HCM được xem là điạ phương khá thành công trong việc quản lý tệ nạn mại dâm, ma túy và có những mô hình đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung, được nhiều điạ phương khác đến học tập kinh nghiệm. Tuy nhiên, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng thừa nhận: Tội phạm liên quan đến mại dâm và ma túy có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là việc đưa đối tượng cai nghiện vào các cơ sở tập trung vẫn còn có những cập.
Cũng không thể thụ động "khoanh tay đứng nhìn" tệ nạn mại dâm, ma túy trên địa bàn, thời gian qua, TP Đà Nẵng đã mạnh dạn "vượt rào" ban hành quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện tại thành phố. Tuy nhiên, trên thực tế, về góc độ luật pháp vẫn còn có nhiều vướng mắc trong công tác thực hiện.
Còn mại dâm, còn người nghiện, nghĩa là vẫn còn "đất" cho những kẻ tàng trữ, buôn bán ma túy, mua dâm làm ăn. Thời gian qua, cả nước đang cố gắng đẩy lùi những tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy. Song quản lý các đối tượng này, giúp họ hòa nhập cộng đồng, vẫn là thách thức lớn.
Hiện nay, ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, các mô hình cai nghiện cộng đồng, chống tái nghiện, hỗ trợ kinh phí giúp chị em từng bán dâm tiếp cận sâu hơn với các dịch vụ y tế, dịch vụ công cộng cũng đã được xây dựng, nhằm kéo giảm tình hình tội phạm. Tuy nhiên, công tác quản lý tệ nạn mại dâm, ma túy vẫn còn có quá nhiều rào cản, cần sự vào cuộc của các Bộ ngành có liên quan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!