Chiều ngày 19/10, tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, bác sĩ Văn Trường Huy, khoa Đông Y cho hay, trước đó bệnh viện có tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân nam tên T sinh năm: 1992) trú tại TP Đà Nẵng đến Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức để khám bệnh vì thường xuyên đi ngoài ra đốt sán.
Sau khi khám và được các bác sĩ chỉ định cho thuốc để xổ, bệnh nhân xổ thành công ra ngoài một con Sán xơ mít dài 10m.
Trao đổi với VTV News, bác sĩ Trường cho hay, nguyên nhân nhiễm sán thường là uống phải nguồn nước nhiễm bẩn, ăn phải các loại rau sống có trứng sán hoặc dễ gặp nhất là ăn thịt có nang ấu trùng.
Một đốt sán rụng ra ngoài có chứa rất nhiều trứng sán, chỉ cần vô tình nuốt phải một đốt sán thì có nghĩa là ấu trùng sẽ chui vào thành ruột đi xuống dạ dày và bám vào thành ruột, hút chất dinh dưỡng. Mặc khác, dưới đoạn cổ của sán sẽ sinh sản dài dần ra, đến khi đốt sán dài quá sẽ rụng, theo phân ra ngoài và tiếp tục sinh sôi.
Để tránh bị nhiễm Sán, người dân nên ăn chín uống sôi, thận trọng khi mua các loại thịt, nếu phát hiện những biểu hiện bất thường thì nên tiêu hủy, không nên ăn. Rửa rau sống nhiều lần dưới vòi nước, ngâm bằng nước muối trước khi sử dụng.
Bên cạnh đó, bác sĩ còn khuyên người dân nên thường xuyên vệ sinh tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Trong trường hợp phát hiện ra triệu chứng: đau bụng, rối loạn tiêu hóa, rơi rớt các đốt sán ra ngoài quần áo thì nên nhanh chóng đến bệnh viện để được khám, tư vấn và điều trị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!