Quảng Trị - địa danh làm nên những bản anh hùng ca bất tử của chủ nghĩa yêu nước

TTXVN-Thứ sáu, ngày 29/04/2022 18:13 GMT+7

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thanh Thủy - TTXVN

VTV.vn - Ngày 29/4 đã diễn ra Hội thảo khoa học “Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 - Nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển”.

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972 – 1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ngày 29/4, tại thành phố Đông Hà, Bộ Quốc phòng phối hợp Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội thảo khoa học "Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972- nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển".

Cách đây 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, quân và dân ta đã dành thắng lợi Chiến dịch tiến công Trị - Thiên, giải phóng tỉnh Quảng Trị, 3 xã của huyện Hương Điền của tỉnh Thừa Thiên và bảo vệ Thành cổ. Thắng lợi trên đã giúp ta xoay chuyển tình thế cách mạng thuận lợi, thúc đẩy đấu tranh quân sự, chính trị kết hợp với đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch dành thắng lợi. Qua đó, góp phần vào thành công chung của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, tạo ra lợi thế trên bàn đàm phán Paris. Mặt khác, thúc đẩy phong trào đấu tranh ngay trong lòng nước Mỹ và thế giới phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

Hội thảo đã nhận được gần 100 báo cáo, tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các cơ quan Trung ương, tỉnh Quảng Trị, các địa phương; các tướng lĩnh, sĩ quan, nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học trong và ngoài Quân đội. Các tham luận đã đề cập một cách toàn diện, phong phú, sâu sắc nhiều vấn đề của hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, Trung tướng Trịnh Văn Quyết, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nêu rõ: Hội thảo sẽ đi sâu phân tích, làm rõ bối cảnh lịch sử, âm mưu, thủ đoạn hoạt động của Mỹ và Ngụy quân Sài Gòn nhằm củng cố tuyến phòng thủ vòng ngoài, bám trụ trên địa bàn chiến lược, tạo ưu thế về quân sự để dành lợi thế trên bàn đàm phán Paris. Qua đó, khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh ngoại giao, giữa đánh và đàm trên bàn Hội nghị Paris và việc chuyển hướng tiến công chủ yếu ở Trị - Thiên, dành và giữ địa bàn chiến lược Quảng Trị năm 1972. Mặt khác, phân tích, làm rõ quá trình chuẩn bị, tổ chức lực lượng, tiến hành Chiến dịch tiến công Trị - Thiên giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972, nghệ thuật chiến dịch tiến công và nghệ thuật tổ chức thế trận phòng ngự của quân và dân ta trên địa bàn chiến lược Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cùng với đó, làm rõ những kết quả và tác động to lớn của thắng lợi Chiến dịch tiến công Trị - Thiên và 81 ngày đêm chiến đấu phòng ngự bảo vệ Thành cổ đối với việc ký kết Hiệp định Paris (27/1/1973) và sự tác động đối với quá trình phát triển về thế và lực của lực lượng cách mạng ở miền Nam. Hội thảo cũng là dịp nêu bật những thành tựu trong lãnh đạo, chỉ đạo, sự chuyển biến quan trọng xây dựng, đổi mới, phát triển quê hương của Quảng Trị trong 50 năm hàn gắn vết thương chiến tranh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

Quảng Trị - địa danh làm nên những bản anh hùng ca bất tử của chủ nghĩa yêu nước

Trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ (28/6/1972 – 16/9/1972), chỉ tính riêng tại khu vực thị xã và Thành cổ, quân địch đã dội xuống hơn 300.000 tấn bom đạn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima (Nhật Bản) năm 1945. Cùng với đó, hàng trăm ngàn viên đạn pháo các loại bắn phá mỗi ngày đã khiến thị xã Quảng Trị như bị san thành bình địa, Thành cổ Quảng Trị cũng chỉ còn là "những đống gạch đổ nát". Dưới sự vây ép, đánh phá tàn bạo của bom thù, bộ đội ta vẫn kiên cường bám trụ từng mét thành, giành giật với địch từng điểm chốt, từng đoạn công sự trận địa..., bảo vệ thị xã và Thành cổ trong thời gian dài gấp 8 lần dự kiến ban đầu của địch. Qua đó, hỗ trợ tích cực cho đấu tranh chính trị, ngoại giao, tạo thế trên bàn đám phán tại Hội nghị Paris. Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như bản anh hùng ca bất diệt về chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đánh đế quốc Mỹ.

Trong tham luận "Chiến dịch năm 1972 tại Quảng Trị, giá trị lịch sử và một số trận đánh hiệu quả cao", tại hội thảo, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Giang Văn Thành đã chia sẻ về một thời kì chiến đấu hào hùng, oanh liệt nhưng cũng đầy xúc động của bản thân và đồng đội. Ông đã trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, thị xã, Thành cổ Quảng Trị tại Mặt trận cánh Đông từ tháng 6/1972 – 31/1/1973, tiêu biểu như trận luồn sâu tập kích vào quân địch ở Bích La Hậu, đánh địch tại "chốt thép" Long Quang, đánh thắng cuộc hành quân "Tăng gô Xity"…

Nhớ về những ngày chiến đấu tại Quảng Trị, Thiếu tướng Giang Văn Thành chia sẻ: Tại "chốt thép" Long Quang, từ đầu tháng 10/1972 -31/1/1973, nhờ tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong phòng ngự trận địa, hệ thống công sự trận địa, hầm hào được xây dựng kiên cố liên hoàn từ phía trước về phía sau. Trong suốt 4 tháng mùa mưa, các đơn vị thuộc cánh Đông đã kiên cường bám chốt Long Quang, chủ động đánh địch từ xa, sử dụng lực lượng hợp lý, có cách đánh sáng tạo và phù hợp. Ban ngày dựa vào hệ thống trận địa liên hoàn chốt chặn quân địch, có ngày bẻ gẫy 5 đợt tiến công của địch vào Long Quang, ban đêm tổ chức lực lượng luồn sâu tập kích vào đồi C5, vào Đạo Đầu, An Trú, Phương Sơn, Triệu Sơn. Riêng ngày 27/1/1973, địch sử dụng 2 tiểu đoàn đặc nhiệm với hơn 30 xe tăng, xe bọc thép liên tục đánh vào trận địa nhưng vẫn bị chặn lại trước "chốt thép" Long Quang. Từ tháng 10/1972 –31/1/1973, trận địa chốt Long Quang đã đánh 84 trận, tiêu diệt 637 tên địch. Bắt sống 1 Trung đội địch, bắn cháy 17 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 3 máy bay, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự…

Tại hội thảo, Thiếu tướng, Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Hội thảo đã tổng hợp lại từ những phân tích, đánh giá và luận giải về tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi trong các tham luận để đi đến khẳng định: Thắng lợi của ta trên chiến trường Quảng Trị năm 1972 có ý nghĩa chiến lược to lớn cả về quân sự, chính trị, ngoại giao, tác động sâu sắc đến tiến trình lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đồng thời tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm của bạn bè, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu đã được đúc rút, nghiên cứu vận dụng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó là các bài học: Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ về đường lối lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh; giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược, tích cực tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ giành thắng lợi quyết định; phát huy sức mạnh tổng hợp giữa ba mặt trận đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, sức mạnh tổng hợp giữa hậu phương và tiền tuyến; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt; bài học về nắm chắc địch, đánh giá đúng so sánh lực lượng, đề ra phương thức tác chiến phù hợp; bài học về xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân...

Quảng Trị - 50 năm xây dựng, đổi mới và phát triển

Sau ngày quê hương được giải phóng, giữa bề bộn khó khăn, từ trong hoang tàn đổ nát, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, thực hiện nghĩa vụ hậu phương tiếp tục chi viện cho cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cùng nhân dân cả nước bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng cho biết: Phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, ý chí tự lực tự cường, tinh thần đổi mới, khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, dành được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nền kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội có hiệu quả, kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư. Văn hóa xã hội có nhiều điểm sáng, tỉnh đã nằm trong tốp đầu của cả nước về các chỉ tiêu văn hóa xã hội. Bên cạnh đó, công tác an sinh xã hội được đảm bảo, người có công cách mạng chăm lo chu đáo, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đô thị phát triển. Quốc phòng an ninh được giữ vững, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.

Sức mạnh khối đại đoàn kết trong Đảng và toàn dân được tăng cường. Nhân dân tin tưởng vào đường lối đổi mới và sự lãnh đạo của Đảng. Nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, định hướng và kế hoạch phát triển của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống và được hiện thực hóa. Đặc biệt, trong những năm gần đây các tiềm năng, lợi thế động và tĩnh của tỉnh được nhận diện, phát huy, quảng bá đã thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô khá lớn...

Trên cơ sở đánh giá những thành tựu đã đạt được, những hạn chế còn tồn tại, tham luận của các đồng chí lãnh đạo bộ, ngành, tỉnh Quảng Trị và của các nhà khoa học đã đưa ra một số giải pháp mang tính định hướng phát triển tương lai để Quảng Trị vươn mình "bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội". Theo đó, tỉnh đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; thực hiện tốt định hướng phát triển vùng miền; tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; thực hiện đồng bộ giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư...

Hội thảo khoa học "Giải phóng Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ năm 1972 nửa thế kỷ xây dựng, đổi mới và phát triển" được tổ chức đã làm rõ hơn tầm vóc, ý nghĩa của thắng lợi Chiến dịch tiến công Trị - Thiên giải phóng tỉnh Quảng Trị và chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Qua đó, góp phần nâng cao niềm tự hào, tự tôn dân tộc, củng cố niềm tin và quyết tâm chính trị của Đảng bộ, quân dân Quảng Trị anh hùng nói riêng và của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong sự nghiệp đổi mới đất nước. Hội thảo cũng góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận giá trị lịch sử và hiện thực của thắng lợi Chiến dịch tiến công Trị - Thiên giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ. Từ đó, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam; góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn cách mạng mới.

Trong khuôn khổ của hội thảo, Ban tổ chức và các đại biểu đã đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị; thăm và tặng quà gia đình chính sách tại thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước