Quy hoạch bến Bạch Đằng: Cần hài hòa văn hóa lịch sử và kinh tế sông nước

Đào Huyền-Thứ ba, ngày 15/03/2022 11:58 GMT+7

VTV.vn - Bến Bạch Đằng là một bến sông sầm uất, biểu trưng cho tính chất đô thị sông nước ‘trên bến dưới thuyền’ của TP Hồ Chí Minh.

Câu chuyện quy hoạch, chỉnh trang bến Bạch Đằng (Quận 1, TP Hồ Chí Minh) gần đây đang nhận được nhiều ý kiến của người dân, giới chuyên môn và doanh nghiệp. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng việc chỉnh trang cần lưu giữ được bản chất của bến Bạch Đằng là một bến sông sầm uất, biểu trưng cho tính chất đô thị sông nước ‘trên bến dưới thuyền’ của TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, một số doanh nghiệp vận tải đường thủy lo ngại việc chỉnh trang di dời một số bến tàu hiện tại sang vị trí khác sẽ gây lãng phí và làm giảm lượt khách qua lại trên bến tàu này.

Phát huy cảnh quan ‘trên bến dưới thuyền’

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến, Ủy viên BCH Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam bắt đầu chia sẻ ý kiến xung quanh việc quy hoạch bến Bạch Đằng bằng câu chuyện lịch sử. 

Ông kể: "Ngay từ đầu, khu vực vàm Bến Nghé (từ rạch Thị Nghè đến rạch Bến Nghé) ở thế kỷ 17-18 là khu vực bến tàu, bao gồm bến tàu của vua, bến thuyền quân sự và bến đò của dân. Cuối thế kỷ 19, người Pháp hiện đại hóa bờ sông này, xây dựng những bến cảng tân tiến. Trước nhất là bến cảng Khánh Hội, gọi là Thương cảng Sài Gòn. Sau đó từ Cột cờ Thủ Ngữ đến xưởng Ba Son được chia làm nhiều bến, mỗi bến phục vụ tàu thuyền khác nhau. Từ 1912, bến đò Thủ Thiêm được thay thế bằng bến phà".

Quy hoạch bến Bạch Đằng: Cần hài hòa văn hóa lịch sử và kinh tế sông nước - Ảnh 1.

Ga tàu cao tốc Bạch Đằng nằm trong khu vực công viên bến Bạch Đằng

Theo ông, tên gọi Bến Bạch Đằng có từ năm 1955, tính từ công trường Mê Linh chạy đến Cột cờ Thủ Ngữ. Sau năm 1975, hoạt động tàu thuyền ở Bến Bạch Đằng vẫn còn, thể hiện qua phà Thủ Thiêm, tàu từ miền Bắc và các nước cập bến. Từ những năm 1990, ở Bến Bạch Đằng có thêm hoạt động của tàu cao tốc cánh ngầm đi Vũng Tàu và các tỉnh. Những năm gần đây, có thêm hoạt động của tàu cao tốc đi Cần Giờ và Vũng Tàu, các chuyến water bus đi trong nội thành.

Nhìn lại lịch sử phát triển của Bến Bạch Đằng, ông Phúc Tiến nhấn mạnh "Mặc dầu nơi đây đang được chỉnh trang làm công viên dạo chơi nhưng  chúng ta không thể bỏ đi và lãng quên công năng vốn có của nó là bến tàu thuyền". Ở các đô thị có sông nước như Paris, London, Venice, Bangkok vẫn có những phương tiện vận chuyển tàu thuyền nhiều loại dọc các bờ sông di chuyển nội thị. Hiện tại, Cảng Sài Gòn đã dời đi chỗ khác, nhà xưởng và bến Ba Son cũng không còn. Dòng sông Sài Gòn không còn những con tàu lớn qua lại, cho nên lại rất thuận lợi cho việc phát triển các loại tàu thuyền nhỏ sử dụng cho giao thông và du lịch!"

Ông nói thêm hiện giờ tại Bến Bạch Đằng, ngoài water bus đi trong nội thị, hãng tàu cao tốc Greenlines có các chuyến đi Cần Giờ và Vũng Tàu. Như vậy, rất nên mở mang các tuyến đường thủy đi xa hơn để người dân và du khách có thể ra biển và các tỉnh lân cận ngay từ khu trung tâm một cách nhanh chóng dễ dàng. Kể cả bằng thủy phi cơ, là hoạt động đã có ở Vancouver, Seattle.

Quy hoạch bến Bạch Đằng: Cần hài hòa văn hóa lịch sử và kinh tế sông nước - Ảnh 2.

Một số ý kiến chuyên gia đề xuất giữ nguyên vị trí các bến tàu khi quy hoạch, chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng

Cùng quan điểm chỉnh trang đô thị xung quanh bến Bạch Đằng, nhấn mạnh tới yếu tố "trên bến dưới thuyền’, góp phần phát triển kinh tế sông nước của thành phố, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thơ - Trưởng Khoa Văn hóa học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, nêu ý kiến: "Cảnh quan Bến Bạch Đằng ngày nay chính là Bến Nghé, Bến tàu Bạch Đằng và Bến phà Thủ Thiêm xưa, là nơi chứng kiến rất nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa của thành phố ngay từ khi mới hình thành. Với vị trí là một thành phố sông nước điển hình, TP Hồ Chí Minh phải kết nối hai luồng giao thông thủy - bộ. Với vị trí Bến Bạch Đằng như hiện nay thì sứ mệnh kết nối giao thông ấy nên được gìn giữ và phát huy, một phần là để kết nối lịch sử - văn hóa từ truyền thống, phần nữa là tạo nên sức sống sinh động, ‘trên bến dưới thuyền’ và giá trị kinh tế cho thành phố. Do đó, tôi thiên về ý kiến giữ nguyên vị trí các bến tàu, bố trí lại và áp dụng phương thức quản lý phù hợp hơn thôi".

Ông Thơ cũng chia sẻ thêm: "Khi tiến hành lấy ý kiến của 360 người dân thành phố (tham quan, giải trí, tập thể dục tại Bến Bạch Đằng, một số cư dân sống ở Phường Bến Nghé và Bến Thành), hầu hết đều cho rằng vị trí các bến tàu là phù hợp, kết nối với lịch sử và làm sống động cảnh sinh hoạt thường nhật của thành phố".

Hài hòa văn hóa lịch sử và kinh tế

Nhìn nhận vai trò sứ mệnh của Bến Bạch Đằng như một nhân tố đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đô thị sông nước, nhà nghiên cứu Phúc Tiến cho rằng việc chỉnh trang Bến Bạch Đằng là công viên, không mâu thuẫn mà nên bao gồm việc phát huy giá trị bến tàu thuyền đã có. Hai bến tàu hiện tại hoàn toàn có thể chỉnh trang để cảnh quan bờ sông không bị che khuất nhiều quá. Bỏ đi các thiết kế rườm rà, thiết kế nhà ga sao cho nhẹ nhàng, hài hòa cân đối với khung cảnh chung.

Quy hoạch bến Bạch Đằng: Cần hài hòa văn hóa lịch sử và kinh tế sông nước - Ảnh 3.

Tàu cao tốc Greenlines DP chở khách trên sông Sài Gòn

Ông Trần Song Hải, đại diện bến tàu cao tốc đang khai thác trên bến Bạch Đằng cho biết: "Trước dịch COVID-19, chúng tôi có khoảng 600 ngàn lượt khách mỗi năm, con số này góp phần giảm tải cho đường bộ. Tôi đánh giá tuyến giao thông đường thủy này khá là quan trọng trong chia sẻ với đường bộ và đồng thời tạo ra sản phẩm rất lạ là thưởng thức con sông của thành phố chúng ta".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước