Mồ mả chôn cất dọc theo các chân núi, quanh các ruộng trồng hành tỏi. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN
Trước thực trạng nhiều phần mộ đang tồn tại trên các cánh đồng, trong khu dân cư, các khu di tích..., UBND huyện Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đã lập Đề án quy tập các nghĩa địa nằm rải rác về một khu tập trung và xây dựng lò hỏa táng.
Huyện đảo Lý Sơn có diện tích gần 10 km2, dân số gần 22.000 người, địa hình tương đối bằng phẳng, không có sông ngòi lớn, có độ cao trung bình từ 20m-30m so với mực nước biển, với 5 hòn núi dạng bát úp được hình thành do hoạt động của núi lửa. Trên đảo có hàng nghìn phần mộ được chôn cất tràn lan, không theo quy hoạch từ nhiều đời nay, khiến quỹ đất sản xuất bị thu hẹp, ảnh hưởng lớn đến mỹ quan, môi trường, gây khó khăn cho công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Tại cánh đồng chuyên trồng hành, tỏi ở thôn Đông An Hải, những ngôi mộ được chôn cất cách đây vài năm cho đến hàng chục năm nằm rải rác khắp nơi. Anh Nguyễn Văn N, người dân ở đây cho biết, có mộ của người trong họ tộc, có mộ của người khác. Chính quyền đã yêu cầu không chôn cất tại đây nhưng bà con không có tiền mua đất tại các khu tập trung nên vẫn phải chôn trên diện tích đất của gia đình, tổ tiên. Nếu di dời, cải táng, chắc chắn bà con sẽ đồng tình vì ai cũng muốn quê hương mình sạch đẹp, phát triển hơn.
Hàng nghìn mồ mả giữa ruộng sản xuất hành tỏi. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN
Còn tại khu vực đường dẫn vào Di tích quốc gia núi lửa Giếng Tiền và thắng cảnh chùa Đục, mộ phần được xây cất kiên cố và không theo quy hoạch khiến con đường ngày càng bị thu hẹp. Tại phần lớn các khu, điểm du lịch trên đảo Lý Sơn đều có các phần mộ, gây hình ảnh phản cảm. Chị Bùi Thị Bích Trâm, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Lý Sơn có rất nhiều cảnh đẹp, thiên nhiên còn hoang sơ. Tuy nhiên, khi đến một số điểm du lịch, thắng cảnh thì thấy xung quanh có rất nhiều ngôi mộ khiến du khách không thấy thoải mái.
Theo thống kê của UBND huyện Lý Sơn, toàn huyện có khoảng 18.000 ngôi mộ, trong đó có hàng nghìn mộ chôn cất xen lẫn khu dân cư, cánh đồng hành tỏi, gần điểm di tích. Ô nhiễm môi trường đang hiện hữu. Do đó, tháng 1/2022, Lý Sơn đã phát thông báo đóng cửa 7 nghĩa trang cũ và yêu cầu người dân thực hiện việc chôn cất về nghĩa trang tập trung nhằm bảo vệ môi trường, cảnh quan trên đảo. Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, UBND huyện giao Ủy ban MTTQ huyện, các hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động, động viên các hộ gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư đồng tình, đồng thuận, tích cực, tự giác thực hiện việc cải táng, di dời, quy tập các ngôi mộ đang nằm rải rác trên các đồng ruộng, khu dân cư, khu vực di tích, danh lam thắng cảnh.
Những ngôi mộ ngay khu vực ruộng sản xuất của người dân. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN
Hiện huyện đã xây dựng xong Đề án quy tập các nghĩa địa nằm rải rác về một khu tập trung và xây dựng lò hỏa táng, trình UBND tỉnh và các ban ngành liên quan. Để thực hiện được Đề án, ngoài kinh phí xây dựng lò hỏa táng, UBND huyện còn xây dựng mức hỗ trợ cải táng, di dời các phần mộ. Bà Phạm Thị Hương thông tin thêm, mục tiêu của Đề án là đến năm 2045 sẽ cải táng toàn bộ 18.000 ngôi mộ trên đảo, khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng. Đây là giải pháp phù hợp với một huyện đảo ít đất, đông người và đang nỗ lực trở thành trung tâm du lịch biển đảo theo định hướng tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022. Về việc lưu trữ tro cốt, trên địa bàn Lý Sơn có nhiều ngôi chùa, nhưng hiện chỉ chùa Hải Lâm có khu thờ, lưu trữ tro cốt. Do đó, UBND huyện có kế hoạch vận động các chùa xây dựng thêm khu thờ tự, lưu giữ tro cốt sau cải táng, hỏa táng.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ để Lý Sơn sớm thực hiện Đề án quy tập các phần mộ nằm rải rác về một khu tập trung và xây dựng lò hỏa táng trong thời gian tới. Huyện cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt chủ trương này vì lợi ích của chính đáng người dân trên đảo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!