Ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh Thanh tra Bộ Y tế cho biết, hiện nay trong bệnh viện thường có 3 loại chất thải y tế: chất thải khí, chất thải lỏng và chất thải rắn. Trong đó, chất thải được phân làm 4 loại: chất thải lây nhiễm, chất thải hóa học nguy hại và nhiễm phóng xạ, chất thải thông thường và chất thải tái chế. Như vậy, theo quy định, trong số rác thải y tế vẫn có một phần được phép tái chế.
Bộ Y tế đã quy định rất cụ thể những loại chất thải được phép tái chế. Những chất thải tái chế phải được thu gom, phân loại, tạm lưu giữ ở khu vực riêng ngay tại khoa, phòng bệnh, tuyệt đối không được để lẫn với những chất thải ô nhiễm, chất thải hóa học nguy hại khác.
Đối với chất thải được phép tái chế, theo quy định của Bộ Y tế, cơ sở y tế chỉ được phép bàn giao cho những cơ sở có tư cách pháp nhân, có chức năng tái chế.
Khi chất thải được phép tái chế đã ra khỏi bệnh viện, những cơ sở thực hiện nhiệm vụ vận chuyển, tái chế phải thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình vận chuyển, xử lý, tái chế.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Nhiên cũng cho biết, hiện nay vẫn còn một số nơi thực hiện những quy định trên chưa đúng. Bộ Y tế đã chỉ đạo tất cả các bệnh viện trên toàn quốc cũng như Thanh tra Bộ Y tế thành lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin về quản lý, xử lý chất thải y tế.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.