Đăk Nông là 1 trong 5 tỉnh Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều tài nguyên thiên nhiên. Trong đó, đá bazan dạng cây được Bộ Tài nguyên và Môi trường xếp vào danh sách các nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm và rất hiếm có doanh nghiệp được cấp phép khai thác. Thế nhưng thời gian qua, tại các tỉnh như Bình Phước, Đăk Nông, tình trạng khai thác loại đá này vẫn diễn ra khá rầm rộ.
Cận cảnh mỏ khai thác đá bazan trái phép
Vượt qua cánh cổng của thủy điện Đăk Glun 1, rẽ phải chừng non km rồi vượt qua mỏm đồi nhỏ, nhóm phóng viên đã có mặt tại điểm khai thác loại đá bazan quý hiếm này. Hầu hết những điểm khai thác đá bazan trái phép này đều nằm rất xa khu dân cư. Vì vậy để có thể vận chuyển những khúc đá nặng nhiều tấn ra ngoài đường, các đối tượng đều phải mở những con đường để nối với trục chính. Tuy nhiên thời điểm phóng viên có mặt, trời mưa nên các đối tượng không thể khai thác cũng như vận chuyển được đá ra ngoài. Vì thế, nhóm phóng viên mới có thể đột nhập vào và ghi hình.
Tại hiện trường, những vỉa đá bị đục nham nhở. Xung quanh vị trí khai thác có rất nhiều khối đá bazan dạng cây với nhiều kích cỡ khác nhau được tập kết thành đống, chất chồng lên nhau, một diện tích đất lớn tại đây bị cày xới. Gần đó, các đối tượng đã dựng 2 nhà mái tôn kiên cố để thợ máy nghỉ ngơi và là nơi để linh kiện máy móc, phục vụ hoạt động khai thác đá.
Vào những ngày nắng, tiếng máy đục đá, máy tời ầm vang cả góc núi, tuy nhiên dường như chẳng có cơ quan chức năng nào ở địa phương này phát hiện, ngăn chặn. Còn theo người dân nơi đây, ai cũng biết các đối tượng khai thác đá trái phép, tuy nhiên nếu có báo chính quyền thì chỉ được một lúc, rồi đâu lại vào đó…, thậm chí không ít người sau khi báo chính quyền xong còn bị đối tượng lạ mặt đe dọa nên không ai dám lên tiếng.
Và để tránh sự nhòm ngó của người dân cũng như đảm bảo việc khai thác lậu được suôn sẻ, tại đường dẫn vào các mỏ đá luôn có người canh gác. Khi phát hiện có người lạ, ngay lập tức người gác báo động cho các đối tượng bên trong, đồng thời tạo sức ép không cho người ngoài tiếp cận điểm khai thác.
Đường đi của những khối đá lậu
Có một thực tế, loại đá quý bazan muốn tới được với khách hàng phải trải qua rất nhiều công đoạn. Trong đó, khai thác chỉ là giai đoạn đầu tiên. Vậy những khối đá nặng hàng tấn, hàng chục tấn kia sau khi rời khỏi mỏ sẽ được đưa đi đâu trước khi được tung ra thị trường?
Để đưa những khối đá ra khỏi mỏ, dĩ nhiên phải cần đến những chiếc xe tải hạng nặng. Và trước khi chiếc xe chở đầy những khối đá ra khỏi nơi khai thác thì luôn có những người dẫn đường. Vậy nhưng khi được hỏi, người dẫn đường lại vờ như không biết.
Ban ngày như vậy, nhưng khi trời vừa sẩm tối, từng đoàn xe chở đầy những khối đá bazan nối đuôi nhau rời bãi để đi đến nơi tập kết là một kho hàng nằm tại thôn 4, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Ngoài ra, một số lượng không nhỏ đá bazan được bán cho những cửa hàng kinh doanh đá cảnh, đá xây dựng và cả nhà máy đá xẻ khác ở tỉnh Đăk Nông.
Việc khai thác đá bazan trái phép trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Đăk Nông đã diễn ra từ nhiều năm nay và ngày càng công khai, cho thấy sự coi thường pháp luật của không ít cá nhân, và chắc hẳn là sự thiếu giám sát trong công tác quản lý của chính quyền địa phương.
Được hình thành do kiến tạo núi lửa tạo thành, trải qua hàng vạn năm biến đổi địa chất đã tạo cho dòng đá bazan có độ bền trường tồn với thời gian. Vì vậy, đá bazan có giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với đá xây dựng thông thường.
Cụ thể, đá bazan dạng cây có giá trị cao gấp 4 lần đá xây dựng thông thường, khoảng trên 300.000 đồng/tấn. Còn loại đá cây xẻ tấm thành phẩm thì giá trên 1,2 triệu đồng/tấn. Theo quy định, nếu được cấp phép khai thác và xuất bán đá bazan dạng cây thì doanh nghiệp sẽ phải: Đóng thuế tài nguyên 15% ; Thuế giá trị gia tăng 10% ; Phí môi trường 50.000 đồng/m3.
Giải pháp nào ngăn chặn "chảy máu" đá bazan
Rõ ràng, việc khai thác, mua bán trái phép loại đá này đang gây thất thu rất lớn cho nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, giải pháp nào để ngăn chặn "chảy máu" đá bazan? Xem ra đây vẫn là câu hỏi khó, chưa có câu trả lời đối với các tỉnh có mỏ đá bazan.
Mặc dù được cấp phép sản xuất, kinh doanh đá bazan dưới hình thức tận thu, tuy nhiên khi nói về việc để có đủ nguồn nguyên liệu phục phục cho sản xuất thì doanh nghiệp đều mua đá lậu.
Tình trạng khai thác đá bazan trái phép tại Bình Phước, Đăk Nông trong thời gian qua diễn ra khá phức tạp, và là vấn đề nổi cộm trong suốt một thời gian dài vừa qua mà chính quyền địa phương chưa có giải pháp giải quyết dứt điểm. Do đó, theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh này, ngoài việc cần tăng cường quản lý, kiểm tra, cần ủy quyền hoặc phân cấp cho tỉnh trong việc thu gom, đấu giá.
Tài nguyên khoáng sản đá bazan thuộc diện tài nguyên không thể phục hồi, do đó, việc khai thác đá bazan cũng có nghĩa là một lượng tài nguyên khoáng sản sẽ mất đi vĩnh viễn. Trong khi các cơ quan chức năng chưa tìm ra được biện pháp ngăn chặn triệt để tình trạng khai thác trái phép, thì giá trị số tài nguyên đó lại chảy vào túi những người làm ăn phi pháp. Còn hệ lụy từ quá trình khai thác như mất đất sản xuất, ô nhiễm môi trường chính những người dân phải gánh chịu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!