Theo TTXVN, khoảng 8h ngày 11/9, nhà bà Nguyễn Thị Sử (thôn Tân Sơn 2, xã Yên Lư) có giỗ, mọi người tập trung nấu cỗ.
Trong khi di chuyển bình gas từ bếp ra ngoài, khí gas bị xì, bén vào bếp củi phía cửa gây cháy khiến anh Nguyễn Văn Chiến (sinh năm 1975), Nguyễn Văn Thắng (sinh năm 1978) là con trai bà Sử và anh Vũ Văn Định (sinh năm 1983), con rể bà Sử bị bỏng.
Các nạn nhân được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang trong tình trạng bỏng nặng.
Theo thông tin ban đầu từ bệnh viện, anh Thắng và anh Định bị tổn thương khoảng 70% diện tích cơ thể; anh Chiến bị khoảng 50%. Cả ba người đều sốc bỏng, bong trợt da nhiều vùng. Do tình trạng các bệnh nhân quá nặng nên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đã chuyển lên tuyến trên điều trị.
Để hạn chế tối đa những hiểm họa có thể xảy ra khi sử dụng gas và cách xử lý khi phát có khí gas bị rò rỉ, cơ quan chức năng khuyến cáo: Phải thường xuyên kiểm tra và vệ sinh dụng cụ (bếp, ống dẫn, van bình, van điều áp…) để kịp thời phát hiện và thay mới các thiết bị hư hỏng, nứt vỡ gây rò rỉ khí gas. Tránh lắp đặt hệ thống sử dụng gas ở gần các nguồn lửa khác như: bếp than, bếp củi, bếp điện. Nên sử dụng các loại bình gas có nguồn gốc rõ ràng, không bị móp méo.
Khi đun nấu và tắt bếp phải tuân theo quy trình: mở van chính ở bình gas; mở đánh lửa; khi tắt bếp phải đóng van của bình trước để phần khí trong dây dẫn được đốt cháy hoàn toàn sau đó mới tắt phần đánh lửa của bếp. Nên lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas, hệ thống báo cháy an toàn và thiết bị tự ngắt khi gas rò rỉ (van an toàn).
Nếu phát hiện có khí gas rò rỉ, lập tức khóa van bình gas, tuyệt đối không động đến bất kỳ thiết bị nào có thể phát sinh tia lửa điện. Nhanh chóng mở thoáng cửa ra vào ở trên cao thông với gian bếp, dùng các dụng cụ thủ công (quạt tay, bìa giấy) để quạt đẩy khí gas ra ngoài.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!