Tái định cư để ổn định cuộc sống cho người dân vùng lũ luôn là vẫn đề đặt ra cấp thiết. Tuy nhiên ở nhiều địa phương vẫn xảy ra tình trạng chỉ sau một thời gian ngắn chuyển đến các khu tái định cư, người dân lại quay trở về nơi ở cũ tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương.
Khu tái định cư thôn Hợp Lâm, xã Lâm Giang là nơi tái định cư cho gần 50 hộ gia đình bị mất nhà cửa trong trận lũ lịch sử 2008. Cho dù đã được hỗ trợ kinh phí và chia đất làm nhà nhưng có hộ gia đình chỉ sau hơn 1 năm đến ở tại khu tái định cư đã lại dọn về nơi ở cũ. Nguyên nhân do nơi ở mới không có đất để chăn nuôi, trồng trọt mà đây lại chính là nguồn sinh kế duy nhất của gia đình.
Cán bộ xã thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền vận động bà con không rời bỏ khu tái định cư về nơi ở cũ
UBND xã Lâm Giang xác nhận, đã có gần 30 hộ gia đình dân tộc Dao rời bỏ khu tái định cư về nơi ở cũ. Cán bộ xã đã thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền vận động bà con. Nhưng cũng rất khó để thay đổi tập quán sinh hoạt, sản xuất từ bao đời nay của đồng bào dân tộc.
Sau trận lũ lịch sử hồi năm 2008, tại đây chưa ghi nhận thêm một sự cố thiên tai nghiêm trọng nào. Đây có lẽ cũng chính là yếu tố khiến nhiều người dân chủ quan rời bỏ khu tái định cư để trở về nơi ở cũ.
Suối Khay trên địa bàn thôn Khay Dạo xã Lâm Giang, vào mùa mưa bão nước thường dâng cao và chảy xiết. Đây chính là nơi hồi năm 2008 đã xảy ra trận lũ lịch sử làm 8 người thiệt mạng và hàng chục hộ gia đình bị mất nhà cửa. Theo UBND huyện Văn Yên, tình hình thời tiết cực đoan, mưa bão ngày càng diễn biến phức tạp, do vậy việc người dân dời bỏ khu tái định cư trở về nơi ở cũ có thể được xem là vấn đề tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Còn khu tái định cư thôn Hợp Lâm an toàn hơn nơi ở cũ. Điện đã có nhưng hệ thống nước sạch hư hỏng đã lâu. Vòi cấp nước sạch bỏ không han gỉ. Người dân phải dùng nước giếng khoan hay nước lấy từ khe núi xuống. Do vậy, ngoài chuyện đường xá đi lại khó khăn, nước sạch sinh hoạt cũng là điều chính quyền địa phương trăn trở.
Huyện Văn Yên cho biết, từ năm 2008 đến nay, trên dãy núi Voi đã xuất hiện một vài điểm lún nứt. Không ai có thể lường trước điều gì sẽ xảy ra mỗi khi trời mưa lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!