Rộn ràng tết Thanh minh ở xứ Bạc Liêu

Đ.Huyền - Thảo Nghi-Thứ hai, ngày 03/04/2023 16:30 GMT+7

VTV.vn - Vào dịp tết Thanh minh, người dân Bạc Liêu đều trở về tảo mộ tổ tiên. Sau khi cúng bái sẽ mời bà con xóm giềng cùng ăn uống vui chơi bên ngôi mộ người thân.

Từ lâu, Tết Thanh minh là ngày lễ tết thể hiện "Đạo lý uống nước nhớ nguồn", lòng thành kính đối với tổ tiên mang nhiều ý nghĩa sâu sắc trong đời sống văn hóa của người dân Bạc Liêu. Mang đậm nét phong tục truyền thống in sâu trong mỗi người dân Bạc Liêu, vào ngày này, những người con xa quê đều sắp xếp về tảo mộ tổ tiên mình.

Rộn ràng tết Thanh minh ở xứ Bạc Liêu - Ảnh 1.

Rất đông người dân Bạc Liêu đi tảo mộ ông bà tổ tiên vào dịp tết Thanh minh.

Từ đầu tháng 3 dương lịch, tại tất cả các nghĩa địa trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu rất đông người dân tập trung về để tảo mộ, dọn dẹp, vun đắp thêm đất mới cho nơi yên nghỉ của người thân được sạch đẹp.

Sau khi tân trang ngôi mộ của người quá cố, mỗi nhà chọn một ngày thích hợp, không nhất thiết phải là ngày chính, để bày mâm cúng cho tổ tiên để cùng nhau ngồi bên mâm cơm sum họp gia đình, đó là những cầu nguyện của người đang sống đối với người đã khuất, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu luôn khỏe mạnh, bình an.

Trước Thanh minh một ngày, để đi cúng mộ người ta đã chuẩn bị một bộ tam sinh, giấy ngũ sắc, nhang, đèn, giấy tiền, vàng bạc, quần áo giấy… Lễ vật cúng viếng nhiều hay ít, thịnh soạn hay đơn sơ là tùy vào điều kiện mỗi nhà nhưng không thể thiếu bánh trái, trà hoa, miếng thịt quay.

Rộn ràng tết Thanh minh ở xứ Bạc Liêu - Ảnh 2.

Mỗi phần mộ được con cháu trang hoàng, dán giấy màu, bày biện đồ cúng đầy ắp trong và không thể thiếu heo quay.

Khi đến mộ, người ta phân ra, một số thì lo bày biện đồ đạc để chuẩn bị cúng tế, phần còn lại thì lo dán giấy ngũ sắc lên mộ, việc dán giấy cũng rất đặc biệt, việc này thường là giao cho trẻ nhỏ trong gia đình. Nếu là mộ mới thì chỉ dán giấy trắng, nếu là mộ lâu năm thì dùng giấy năm màu: trắng, vàng, đen, xanh, đỏ.  Song, điều quan trọng hơn vẫn là gia đình luôn vui vầy, yêu thương để hướng về tổ tiên - đây cũng là giá trị cốt lõi của tết Thanh minh.

Với những ngôi mộ vô chủ, không người thăm viếng, những người đi cúng thường thắp một nén hương, đốt nắm vàng mã cho những ngôi mộ này. Tại các nghĩa địa còn có lập một am để thờ chung những ngôi mộ vô chủ gọi là "Am chúng sinh" và được người quản lý khu nghĩa địa sớm tối đèn hương thờ phụng.

Cái hay của Tết Thanh minh ở đây là ngoài ý nghĩa tưởng nhớ người đã khuất, đề cao đạo hiếu, còn mang đậm tính cộng đồng. Đó chính là không gian của ngày tết diễn ra ở ngay nghĩa địa và thu hút rất đông người tham gia cúng bái. Không chỉ có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, các gia chủ còn mời bạn bè và chiêu đãi xóm giềng cùng tham gia ăn uống, vui chơi tại ngôi mộ của người thân. Có gia đình còn thuê cả đội nhạc, kéo điện thắp sáng để… vui tới khuya.

Rộn ràng tết Thanh minh ở xứ Bạc Liêu - Ảnh 3.

Sau khi xong nghi lễ cúng bái tổ tiên, con cháu, người thân quây quần ăn uống vui chơi bên các khu mộ đến tận khuya.

Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, từ xa xưa, Tết Thanh minh đã trở thành lễ hội quan trọng, thiêng liêng, mang đậm nét thiêng liêng phong tục truyền thống in sâu trong mỗi người dân Bạc Liêu.

Mùa Thanh minh hàng năm tuy không phải là cái tết lớn, đây là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính của mình đối với tổ tiên ông bà, là một nét đẹp được lưu truyền qua nhiều thế hệ bởi nó không chỉ nhắc nhở con cháu lòng biết ơn đối với người đã khuất mà còn là chất keo kết dính các thành viên trong gia đình với nhau, mọi người phải biết yêu thương, hòa thuận với anh em, hiếu thảo với cha mẹ, phải biết nâng niu và trân trọng hạnh phúc gia đình mình đang có. Tết Thanh minh luôn được cộng đồng giữ gìn và trở thành một trong những phong tục đặc sắc của người dân Bạc Liêu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước