Một kíp tuần tra xuyên rừng. Ảnh: Báo Người Lao Động.
Tỉnh Cà Mau có hơn 43.000 ha rừng tràm, đây là khu vực luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy khi mùa khô đến đỉnh điểm. Diện tích rừng này chủ yếu tập trung tại huyện Trần Văn Thời và U Minh. Tại Vườn Quốc gia U Minh Hạ, thời điểm này, mực nước dưới kênh, mương cũng bắt đầu cạn dần, hệ thống dây leo đã bắt đầu khô héo. Nắng nóng đang tiếp tục diễn ra gay gắt, nhiều diện tích rừng đã tăng cấp độ cháy sang cấp 4, cấp 5 (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Từ khi cấp độ cháy rừng tăng lên, nhiều cán bộ chiến sỹ đã được tăng cường bám chốt, bám trạm phòng cháy 24/24. Sự căng thẳng của công việc tăng theo cấp độ và nguy cơ cháy rừng.
Cuộc sống trên… tháp canh lửa
11h trưa, anh Trần Văn Vũ tiếp nhận ca trực quan sát. Công việc trực chòi canh lửa đã gắn bó với anh được 8 năm. Nắng gắt đỉnh đầu, trên độ cao 30m có gió nhưng không hề dễ chịu chút nào.
"Từ 12h trưa trở về chiều thường nhiệt độ rất cao, khoảng 35, 36 độ, thời tiết trên này có gió mát những rất khô, cơ thể mình rất khô" - anh Trần Văn Vũ - nhân viên bảo vệ Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau cho biết.
Nguy cơ xảy ra cháy cao nhất là quãng thời gian từ 11h đến 5h chiều, cũng là giờ cao điểm của những nhân viên gác chòi.
Chỉ có chòi trung tâm là bằng bê tông, còn lại các chòi canh đều bằng sắt lợp mái tôn nên nhiệt độ rất cao. Dưới mái tôn hầm hập, quan sát liên tục, mỗi ca trực quan sát của lực lượng canh lửa sẽ kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ.
"Ở trên chòi nắng nóng gay gắt khó chịu lắm, anh em khỏe có thể trực 2, 3 tiếng, còn nắng nóng quá thì đổi tiếng mấy, 2 tiếng. Mệt sớm thì đổi sớm" - anh Phan Chí Cường - nhân viên bảo vệ Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau cho hay.
Một chiếc ống nhòm, một máy bộ đàm để liên lạc, báo cáo, cuộc sống của những nhân viên gác chòi canh lửa càng căng thẳng theo cấp độ cảnh báo cháy. Có 18 chòi canh lửa như thế này đang trực 24/24 để phòng cháy, giữ rừng U Minh.
Nguy cơ cháy rừng ngày càng tăng
Theo báo cáo của Vườn Quốc gia U Minh hạ, thời điểm này, tổng diện tích khô hạn là hơn 8.500 ha. Trong đó, có gần 2.000 ha rừng dự báo cháy ở cấp 2, trên 4.800 ha rừng dự báo cháy ở cấp 3, và hơn 1.700 ha rừng dự báo cháy ở cấp 4, cấp 5 (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Diện tích rừng tăng cấp độ báo cháy cứ tăng dần khi nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Nguy cơ cháy là rất cao nên việc trực chiến và đảm bảo các phương tiện chữa cháy, phản ứng nhanh khi tình huống xảy ra là vấn đề tiên quyết. Giữ nước trên hệ thống kênh rạch để giảm nguy cơ cháy, giữ nước để có nước chữa cháy là yếu tố cốt lõi trong công tác chống cháy hiện nay tại U Minh Hạ.
Giữ nước để giữ rừng
Từ khoảng tháng 10 của năm trước, những con đập này đã được đắp để trữ nước ngọt cho Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Dù nắng nóng kéo dài, lượng nước trữ trong kênh đã giảm nhưng đến thời điểm này mực nước vẫn duy trì ở mức 1,5 đến 2m.
Vừa đảm bảo giữ được nước, giữ luồng tuyến thông suốt không bị cản trở, vừa đảm bảo không can thiệp quá thô bạo tới hệ sinh thái trên kênh rạch thực sự là điều kiện khó. Phòng chống cháy rừng ở U Minh Hạ hiện đang thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.
Ông Huỳnh Minh Nguyên - Giám đốc Vườn Quốc gia U Minh Hạ, Cà Mau - cho biết: "Việc bảo tồn rừng quốc gia là hết sức cần thiết, cần phải được quan tâm đúng mức, mình cũng khắc phục khó khăn, làm sao để quản lý gìn giữ nguyên vẹn U Minh Hạ cho muôn đời sau".
Khi nắng nóng ngày gay gắt kéo dài, lượng nước trên kênh rạch ngày càng xuống thấp, thực bì khô vàng, mỗi thân cây giống như 1 bó đuốc thì chữa cháy là cực kỳ gian khổ và nguy hiểm. Nếu giữ được nước, giữ được độ ẩm cho rừng cũng có nghĩa nguy cơ cháy sẽ được giảm bớt.
Các nguy cơ cháy rừng
Có 2 nguy cơ xảy ra cháy đó là nguy cơ do con người và nguy cơ từ tự nhiên. Trong đó sự xâm nhập của người dân vào rừng để săn ong, bắt cá là cao nhất. Để giảm nguy cơ này, nhiều năm qua, Vườn Quốc gia U Minh Hạ đã tiến hành tuyên truyền, vận động người dân ký cam kết không vào rừng trái phép. 100% người dân vùng đệm xung quanh Vườn Quốc gia đã tham gia ký cam kết và họ cũng chính là lực lượng tại chỗ sẵn sàng tham gia phòng chống cháy rừng nếu có sự cố xảy ra.
Phòng cháy rừng bằng… tuyên truyền
7 hecta tràm của ông Thứ nằm liền kề với Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Như nhiều người dân khác ông đã ký cam kết với Vườn Quốc gia để bảo vệ rừng. Theo ông, bảo vệ sự xâm nhập của người lạ vào vườn tràm của gia đình mình chính là cách phát hiện và ngặn chặn sự xâm nhập vào Vườn Quốc gia.
"Không cho người lạ vào khu vực rừng của mình quản lý cũng như vào rừng quốc gia, cho nên là lúc nào cũng ra rừng để canh gác bảo quản hết, thường cũng có khi có người lạ vào thì điện báo cho công an, cho đội trưởng, cho hạt kiểm lâm để phối hợp bảo vệ rừng" - ông Đỗ Hữu Thứ - ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau nói.
Vườn Quốc gia U Minh Hạ là vùng lõi, xung quanh vườn là hàng ngàn hecta rừng tràm của người dân. Cao điểm phòng chống cháy rừng, các đơn vị chủ rừng, các xã, thị trấn và người dân có rừng cũng đều căng mình phòng cháy. Việc phòng cháy chữa cháy Vườn Quốc gia giờ đã trở thành việc chung.
Nguy cơ cháy rừng do sự xâm nhập của con người chiếm phần lớn, nhưng khi người dân hiểu và chung tay bảo vệ rừng thì nguy cơ này sẽ giảm đi rất nhiều, thậm chí được loại bỏ. Lúc đó nguy cơ cháy còn lại phụ thuộc tự nhiên quyết định.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!