Rượu chứa methanol, không an toàn gây ngộ độc vẫn tràn lan trên thị trường

Minh Đức-Thứ năm, ngày 01/02/2018 17:30 GMT+7

VTV.vn - Theo Cục An toàn thực phẩm, ngộ độc rượu đang là vấn đề đáng báo động, đặc biệt số ca ngộ độc do rượu có hàm lượng methanol cao chiếm 32,1%

Ngày 31/1, tại hội thảo "Tăng cường các biện pháp phòng chống ngộ độc rượu trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và mùa lễ hội xuân 2018", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, các loại rượu chứa cồn công nghiệp (methanol) hàm lượng cao vẫn đang tràn lan trên thị trường, gây ra các vụ ngộ độc rượu, làm nhiều người chết.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, hiện nay, ở Việt Nam có hơn 320 cơ sở sản xuất rượu có quy mô lớn, sản xuất khoảng 360 triệu lít rượu/năm; các cơ sở sản xuất nhỏ có sản lượng dưới 1 triệu lít/năm, các hộ gia đình tự sản xuất ước tính khoảng 250 triệu lít/năm. Với số lượng rượu được sản xuất đồ sộ như vậy, vấn đề chất lượng, an toàn rượu bia đang là vấn đề "nóng" trong toàn xã hội. Ngoài các hệ lụy như gây tổn hại về mặt sức khỏe, tâm thần, tính mạng người tiêu dùng, trật tự xã hội, tai nạn giao thông thì ngộ độc rượu bia đang là vấn đề đáng báo động, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán và lễ hội năm 2018.

Hiện nay, trên thị trường vẫn tồn tại các loại rượu không bảo đảm an toàn và rượu chứa hàm lượng methanol cao. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc các vụ ngộ độc rượu có xu hướng gia tăng. Việc kiểm soát chất lượng rượu vẫn còn rất khó khăn do trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh rượu còn thấp. Ngoải ra, nhận thức của người tiêu dùng về chất lượng rượu cũng chưa cao, các cơ quan chức năng cũng chưa quản lý hiệu quả chất lượng, an toàn đối với sản phẩm rượu, nhất là rượu thủ công.

Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), trong năm 2017, cả nước đã ghi nhận 10 vụ ngộ độc rượu làm 119 người nhập viện, 11 người chết. Tại Hà Nội, từ đầu năm 2017 đã có 40 trường hợp tại 12 quận/huyện bị ngộ độc rượu có chứa methanol. Trong số các vụ ngộ độc rượu, ngộ độc rượu do hàm lượng methanol cao chiếm 32,1%; rượu ngâm thuốc lá chiếm 17,9%; rượu ngâm cây rừng độc chiếm 39,3%.

Ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, để ngăn ngăn chặn rượu không an toàn cần tập trung ngăn ngừa rượu, men không nguồn gốc nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu, đường biên, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng rượu không nguồn gốc. Bên cạnh đó, cần sớm có chỉ thị màu với rượu công nghiệp, vì hiện nay cồn công nghiệp và rượu trắng đều màu trắng nên không thể phân biệt được.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, để đảm bảo chất lượng rượu, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới để hạn chế các vụ ngộ độc rượu; ngành Y tế sẽ thanh, kiểm tra thường xuyên nhằm ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo, nhất là tăng cường hệ thống để giám sát và phòng chống các ca ngộ độc rượu.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước