Rút bảo hiểm xã hội một lần đa phần ở phía Nam

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 17/07/2023 21:16 GMT+7

VTV.vn - Cứ 10 người rút bảo hiểm xã hội một lần trong giai đoạn 2016 - 2022 thì có đến 6 người thuộc khu vực phía Nam tức là vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Mất việc sau 19 năm làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, điều làm chị Võ Thị Thơm (tỉnh Đồng Tháp) phải nghĩ ngợi nhiều nhất không phải là tìm việc mới mà chính là có nên rút BHXH một lần hay không.

Lương hưu vốn là cốt lõi của chính sách BHXH khi đảm bảo an sinh lâu dài khi hết tuổi lao động. Nhưng tại sao người lao động ở Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, địa bàn hiện có đến hơn 19 triệu công nhân lao động lại "sợ" lương hưu?

Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh - cho biết: "Một đồng chí phó chủ tịch công đoàn cơ sở của một công ty lớn trên địa bàn, đóng BHXH 20 năm nhưng về hưu thì lương chỉ có 2,7 triệu thôi, phải đi làm thêm mới đủ sống".

Ông Củ Phát Nghiệp - Chủ tịch Công đoàn công ty PouYuen Việt Nam - cho biết: "Nếu lương hưu sống được cơ bản thì chắc chắn là họ sẽ không rút BHXH một lần".

Trong hội nghị lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật BHXH sửa đổi do Ủy ban Xã hội của Quốc hội vừa tổ chức tại phía Nam, lãnh đạo cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai còn chia sẻ một góc nhìn khác về lương hưu.

Chiếm phần lớn trong hơn 20.200 doanh nghiệp đang hoạt động tại tỉnh Bình Dương, thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ với các ngành có mức thâm dụng lao động cao như da giày, may, gỗ. Đa phần sử dụng lao động phổ thông, vì vậy, các doanh nghiệp này dễ thu hút người từ nơi khác đến nhưng cũng dễ xảy ra tình trạng "nhảy việc". Đây cũng chính là nguyên nhân để nhiều người quyết định rút BHXH một lần mỗi khi "nhảy việc". Và hiện trạng này cũng là câu chuyện chung của khu vực phía Nam.

Khó đóng lại bảo hiểm xã hội khi đã rút

Mục tiêu đến năm 2030, độ bao phủ bảo hiểm xã hội là 60% người lao động, để một tỷ lệ tương ứng người hết tuổi lao động sẽ có lương hưu. Mục tiêu này sẽ khó đạt được nếu giữ nguyên chính sách BHXH hiện hành. Bởi sau 10 năm thực thi, tỷ lệ bao phủ lưới an sinh mới chỉ dừng ở mức chưa được 40%. Và cứ 1,5 người tham gia mới thì lại có 1 người rời khỏi BHXH. Điều này cho thấy, đã có những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Nhưng cụ thể là gì? Để trả lời cho câu hỏi này, một cuộc khảo sát với hơn 1 nghìn người đến rút BHXH một lần tại cơ quan BHXH tỉnh Đồng Nai đã được thực hiện.

Thời điểm khảo sát được tiến hành khi xuất hiện làm sóng rút BHXH một lần đầu tiên khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát.

Gần 90% người tham gia khảo sát biết rõ về quy định BHXH để được hưởng lương hưu và gần 97% biết chính sách này là có lợi cho mình.

Tuy nhiên, người lao động vẫn quyết định rút BHXH một lần, bởi 5 lý do trong đó nhu cầu bù đắp chi phí đời sống chiếm con số áp đảo. Đứng hàng thứ 2 với hơn 15% người tham gia khảo sát chính là không đủ kiên nhẫn để chờ đến tuổi nghỉ hưu.

Gần một nửa số người tham gia khảo sát trong 12 tháng chờ hưởng BHXH một lần đã trở thành lao động tự do hay lao động thời vụ, tức không có hợp đồng hoặc không tham gia BHXH. Gần 10% người hưởng trợ cấp học nghề với mục tiêu có công việc mới, thu nhập tốt hơn để tiếp tục tham gia BHXH thì lại học những nghề không đáp ứng được yêu cầu này.

Một điểm đáng chú ý nữa là gần 95% người cho rằng thủ tục rút BHXH một lần hiện đang rất thuận tiện và dễ dàng. Và hơn 50% thì không đồng thuận với dự kiến thay đổi quy định rút BHXH một lần theo hướng người lao động chỉ được nhận phần đóng góp của mình thay vì quy định hiện hành.

Khảo sát này đã cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân so sánh lợi ích trước mắt từ phía người lao động thì còn có 1 yếu tố nữa trong chính sách BHXH đó là thủ tục để hưởng trợ cấp BHXH hiện đang khá dễ dàng. Vì vậy, việc dự thảo Luật BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến phản biện chỉ tập trung vào rào cản kỹ thuật như hạn chế số tiền khi rút BHXH một lần vẫn là chưa đủ. Giữ người lao động ở lại lưới an sinh bằng chính sách thay vì rào cản, đó chính là nội dung của nhiều đề xuất liên quan đến vấn đề này.

Để lao động yên tâm khi có bảo hiểm xã hội

Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam cho biết, chưa từng có tiền lệ trên thế giới về việc đã cho người lao động rút BHXH một lần rồi lại không cho rút nữa. Vì vậy, dù gặp khó khăn trong việc giữ người lao động ở lại với hệ thống BHXH thì cũng không thể ngay lập tức bỏ quy định này. Đây cũng là đề xuất của Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh.

Đề xuất giải pháp giảm sốc song hành với lộ trình của lãnh đạo BHXH tỉnh Đồng Nai chính là thời gian chờ hưởng BHXH một lần thay vì 12 tháng sẽ được nâng lên thành 24 tháng nhưng nếu người lao động chốt sổ BHXH mà vẫn bảo lưu, tức là vẫn nằm trong hệ thống, thì ngoài hưởng trợ cấp thất nghiệp được chia theo giai đoạn, thì còn được bảo trợ thẻ BHYT.

98% người lao động sau 1 năm rút khỏi hệ thống BHXH đã không quay trở lại theo kết quả khảo sát tại Đồng Nai. Điều này cho thấy những chế định có liên quan đến việc đưa người lao động quay trở lại thị trường lao động đã không hiệu quả. Vì thế cần có giải pháp khuyến khích vừa để hợp lý hóa mức hưởng BHXH một lần vừa đảm bảo quyền lợi cũng như giải quyết khó khăn trước mắt, vừa có tính khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia hệ thống để hưởng lương hưu.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ việc làm cũng cần phải được đẩy mạnh song hành với hưởng trợ cấp thất nghiệp. Bởi BHXH tuy là chính sách an sinh xã hội nhưng phải theo nguyên lý có quan hệ lao động, có đóng - có hưởng.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước