Sân vận động Mỹ Đình xuống cấp như thế nào?

Anh Tuấn (VTV Digital)-Thứ năm, ngày 23/09/2021 13:32 GMT+7

VTV.vn - Được xây dựng với kinh phí 53 triệu USD để phục vụ SEA Games năm 2003, kể từ đó đến nay, sân vận động Mỹ Đình chưa được sửa chữa, chỉnh trang toàn diện lần nào.

Khu liên hợp thể thao Quốc gia là đơn vị quản lý sân vận động Mỹ Đình, cũng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Thể dục thể thao. Từ năm 2009 đến nay, khi được giao thực hiện tự chủ tài chính 100%, nguồn thu của khu liên hợp đến từ việc cho thuê đất, dịch vụ. Vậy nhưng, theo kết luận Thanh tra Chính phủ hồi tháng 6 mới đây, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại đơn vị này đã được chỉ ra trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2018, dẫn đến thất thoát số tiền hàng trăm tỷ đồng của ngân sách nhà nước.

Sân vận động Mỹ Đình xuống cấp như thế nào? - Ảnh 1.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khi triển khai dự án cải tạo mặt sân tập số 2, giá loại cỏ becmuda được nhập khẩu từ Thái Lan khi trúng thầu đã được nâng lên gấp hơn 6 lần so với giá cỏ nhập khẩu trên thực tế. Vì thế, nếu không thu hồi được sẽ gây thất thoát hơn 2,3 tỷ đồng nguồn vốn nhà nước. Tương tự, quá trình thực hiện dự án cải tạo mặt sân tập số 1 cũng có nhiều khâu sai quy định khiến đội giá hơn 3,2 tỷ đồng so với giá trị trên thực tế.

Sân vận động Mỹ Đình xuống cấp như thế nào? - Ảnh 2.

Nhiều sai phạm tại các hạng mục cải tạo khác cũng được kết luận thanh tra chỉ ra. Dù không đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm nhưng Công ty TNHH Thể thao Quang Tuyến vẫn trúng thầu thi công dự án cải tạo mặt sân điền kinh. Vì giá vật liệu trong hợp đồng được nâng lên gần 2,5 lần so với giá nhập khẩu nên dự án đã đội giá hơn 11,6 tỷ đồng.

Thậm chí, tại bể bơi trong nhà Cung thể thao dưới nước, dù hệ thống làm nóng nước bể bơi đang sử dụng được nhưng vẫn được thay thế bằng hệ thống mới. Theo kết luận, chỉ riêng giá thiết bị khi quyết toán đã cao gấp 7,5 lần giá nhập khẩu, chênh lệch hơn 6,1 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Chiên, Phó Giám đốc Khu Liên hợp thể thao Quốc gia cho biết: "Vì đợt dịch thứ tư xảy ra nên các đối tác chưa đến được dù chúng tôi đã có giấy mời làm việc. Nếu thu được nguồn đó thì chúng tôi cũng có nguồn thu đáng kể để cải tạo cơ sở vật chất và cải thiện đời sống anh em, trả lương đầy đủ".

Sân vận động Mỹ Đình xuống cấp như thế nào? - Ảnh 3.

Cũng theo kết luận thanh tra, Khu liên hợp thể thao Quốc gia còn có nhiều sai phạm trong việc tự ý cho thuê đất hoặc cho thuê đất nhưng tiền lại để ngoài sổ sách trong thời gian từ năm 2009 - 2018 dẫn đến thất thoát số tiền lên đến 777 tỷ đồng. Trong khi trên thực tế, rất nhiều hạng mục tại sân vận động Mỹ Đình đã xuống cấp nghiêm trọng vẫn phải chờ để cải tạo sửa chữa…

Với sức chứa tối đa lên đến 40.000 khán giả nhưng hiện tại hệ thống phòng cháy chữa cháy tại sân vận động đã hư hỏng, không hoạt động nhiều năm nay. Tại khu vực khán đài C và D xuống cấp dẫn đến sụt lún nhưng dự án cải tạo chưa hoàn thành vì thiếu kinh phí. Riêng mặt sân Mỹ Đình, mặt cỏ được thay cách đây 10 năm và đến nay chưa từng một lần thay mới.

"Để chăm sóc sân cỏ, quy trình của chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt, đòi hỏi có kinh phí. Kinh phí đầu tiên là trả lương cho người lao động đầy đủ thì người ta làm việc mới hăng say, tâm huyết. Máy móc thiết bị của chúng tôi hoạt động gần 20 năm nay cũng hỏng hết rồi", ông Chiên cho biết thêm.

Sân vận động Mỹ Đình xuống cấp như thế nào? - Ảnh 4.

Vì thiếu kinh phí, từ tháng 8/2021, Khu liên hợp thể thao Quốc gia đã phải giảm 50% lương của nhân viên.

Tại buổi làm việc vào chiều 21/9, lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo Ban quản lý sân Mỹ Đình sửa chữa, nâng cấp 6 phòng gồm phòng trọng tài, phòng thay đồ mỗi đội, phòng VAR, phòng giám sát của AFC và phòng họp báo… để đạt các yêu cầu đặt ra. Đồng thời phối hợp với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tiến hành cải tạo mặt sân, đảm bảo chất lượng cho các cầu thủ thi đấu trong thời gian tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước