Sắp vào đợt mưa mới, miền Bắc đối mặt nguy cơ lũ quét và sạt lở đất

Quốc Thới, Phú Cường, Phương Trang, Thanh Xuân, Mạnh Cường, Phùng Sơn, Tài Dũng-Thứ bảy, ngày 15/06/2024 20:33 GMT+7

VTV.vn - Đợt mưa lớn mới tại miền Bắc tuy không nguy hiểm như đợt trước nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất.

Ngay sau đợt mưa lũ hồi đầu tuần, từ đêm qua, miền Bắc lại bắt đầu một đợt mưa lớn mới kéo dài đến ngày mai. Cập nhật đến hiện tại, mưa lớn đã xảy ra ở khu vực vùng núi và trung du Bắc Bộ. Tổng lượng mưa đo được trong 20 tiếng qua ở các tỉnh Lào Cai, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng đều từ 103 đến 150 mm. Do mưa lớn từ đợt trước, các hồ thủy điện đã đầy. Nay thêm đợt mưa này, hồ thủy điện Tuyên Quang và Sơn La đã phải mở cửa xả đáy để điều tiết theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Thủy điện Sơn La sẽ đóng cửa xả vào lúc 18h chiều nay sau hơn 4 tiếng mở cửa.

Dự báo, đợt mưa này còn kéo dài đến sáng mai, tập trung chủ yếu ở vùng núi và trung du Bắc Bộ, cục bộ có điểm mưa trên 100 mm. Khả năng cao là lưu vực sông Lô và sông Gâm tại Tuyên Quang sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ từ 1-3m, mực nước sẽ quanh báo động 1 đến báo động 2.

Theo các chuyên gia, đợt mưa này có lượng mưa bằng khoảng 1/3 so với đợt trước, do hình thế gây mưa không mạnh như lần trước. Đợt mưa trước là tổ hợp của rãnh áp thấp cộng với xoáy thấp phát triển đến độ cao 5000m, cùng với tác động của đới gió Đông Nam. Lần này, hình thế gây mưa chủ yếu là từ rãnh thấp dịch chuyển từ phía Bắc xuống, gây mưa to tập trung ở vùng núi và trung du Bắc Bộ.

Dù lượng mưa không lớn như đợt trước, nhưng sau 3 ngày mưa lớn, lại xuất hiện 4 ngày nắng nóng gay gắt khiến đất đá khô lại, bở rời và kém kết dính. Khi gặp mưa lớn, tuy diện mưa không đều nhưng cục bộ vẫn có những điểm mưa to trên 150 mm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.

Các tỉnh vùng núi như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn - tương ứng với những vùng màu tím trên bản đồ nguy cơ cao nhất xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Người dân ở những khu vực này cần đặc biệt lưu ý và chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa cần thiết.

Đợt mưa lớn mới tại miền Bắc tuy không nguy hiểm như đợt trước nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là lũ quét và sạt lở đất. Người dân cần theo dõi sát sao tình hình thời tiết và tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Cao điểm lũ quét, sạt lở ở Bắc Bộ thường từ tháng 6 đến tháng 8. Mùa mưa năm nay được nhận định còn chịu tác động của hiện tượng La NiNa. Với sự chuyển pha từ El NiNo trong 6 tháng đầu năm sang La Niña vào 6 tháng cuối năm, mùa mưa năm nay ở miền Bắc được nhận định có lượng mưa nhiều hơn hẳn so với mọi năm. Thực tế, ngay từ đầu mùa mưa từ tháng 5 cho đến tháng 6 này đã chứng minh cho nhận định đó. Cụ thể, mời quý vị cùng theo dõi.

Tháng 5, tháng 6 nhiều điểm mưa lớn bất thường

Tháng 5 đã ghi nhận tổng lượng mưa cao hơn mọi năm từ 30 - 60%, có nơi còn cao gấp đôi. Tại Lào Cai hay thủ đô Hà Nội, tổng lượng mưa trong tháng 5 lên tới 353-420 mm.

Bước sang tháng 6, mưa lũ đã xuất hiện trên diện rộng, gây thiệt hại nặng ở Bắc Bộ. Tâm mưa lớn nhất là Quảng Ninh, Hải Phòng và Hà Giang, với những điểm mưa đặc biệt lớn hơn 300 - 400 mm từ tối ngày 8/6 đến trưa ngày 10/6.

Mưa dồn dập, lũ trên sông Lô qua trạm thủy văn Hà Giang dâng cao đột ngột, vượt báo động 3 tới 59 cm. Đây là mức lũ cao nhất trong vòng gần 40 năm qua, gây ngập lụt diện rộng.

Bắc Bộ mới trải qua nửa đầu tháng 6 nhưng tại nhiều điểm lượng mưa đã vượt trung bình cả tháng. Như tại Hà Giang, lượng mưa xấp xỉ 600 mm trong vòng 15 ngày so với 437 mm của cả tháng. Tại Hải Phòng và Quảng Ninh, lượng mưa nửa đầu tháng 6 có thể gấp rưỡi so với tổng lượng mưa trung bình tháng 6.

Do ảnh hưởng của La NiNa, mùa mưa năm nay ở miền Bắc có lượng mưa dồi dào và kéo dài hơn. Người dân cần đặc biệt lưu ý và chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa cần thiết, đặc biệt là trong những tháng cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8, khi nguy cơ lũ quét và sạt lở đất tăng cao. Các tỉnh vùng núi như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn cần đặc biệt đề phòng.

Mùa mưa năm nay, với sự tác động của hiện tượng La Niña, dự báo sẽ có nhiều đợt mưa lớn xảy ra liên tục. Người dân ở các khu vực nguy cơ cao cần theo dõi sát sao tình hình thời tiết và tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan chức năng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Có thể thấy mới vào đầu mùa mưa thôi mà ở Bắc Bộ đã xuất hiện những điểm mưa lớn bất thường, vậy dự báo từ nay đến cuối tháng 6 liệu còn đợt mưa nào nữa không và công tác dự báo đang được chuẩn bị như thế nào để đáp ứng tình hình thực tế, chúng ta sẽ cùng gặp gỡ chuyên gia từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia.

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết: "Ngoài đợt mưa hiện tại dự báo kéo dài trong 2-3 ngày thì từ sau ngày 20/6 có thể xuất hiện 1-2 đợt mưa rào và dông. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ pha nóng (Elnino) sang pha lạnh (La Nina) thì thường tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi làm cho khí quyển trở nên bất ổn định hơn, dễ xuất hiện trận mưa lớn cục bộ, cường xuất lớn. Vì vậy cần lưu ý nguy cơ lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc ở vùng núi; hiện tượng ngập úng tại các vùng trũng, thấp, các khu đô thị, khu công nghiệp".

Nhiều giải pháp đã được ngành KTTV thực hiện giúp cho công tác dự báo ngày một chính xác hơn. Trong đó đáng chú ý là đã tăng cường dữ liệu quan trắc bề mặt, vệ tinh và radar, tăng thêm các phương án dự báo thông qua phối hợp với cơ quan KTTV trên thế giới; đưa vào vận hành mô hình dự báo khu vực với độ phân giải 3km và tần xuất cập nhật liện tục 6 giờ/lần. Cùng với đó là phát triển hệ thống theo dõi và cảnh báo dông sét trực tuyến, cập nhật 15 phút/lần, hay hệ thống theo dõi cảnh báo nguy cơ sạt lở đất trực tuyến cập nhật 30 phút một lần.

Khó khăn trong việc ứng phó thiên tai tại Hà Giang

Để phòng chống thiên tai có hiệu quả, cần sự chuẩn bị và triển khai đồng bộ từ công tác dự báo đến sự chủ động của chính quyền và người dân các địa phương. Tuy nhiên, qua thực tế ứng phó trận mưa lũ lớn tại Hà Giang vừa qua đã cho thấy nhiều việc cần phải làm để người dân các tỉnh miền núi có thể chủ động ứng phó khi thiên tai bất ngờ xảy đến.

Tại các xã vùng ngập lụt ở huyện Vị Xuyên và một số địa phương khác ở tỉnh Hà Giang, những trang thiết bị phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn còn rất thiếu thốn. Chiếc bè tự chế của anh Hoàng Văn Vương được làm từ cây tre là minh chứng rõ nét. Mặc dù rất nguy hiểm khi đi qua dòng nước lũ, đây là phương tiện duy nhất mà người dân và chính quyền địa phương có thể dùng để vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, kiến nghị: "Cần được đầu tư trang thiết bị, nhất là khắc phục đường giao thông."

Một trong những nguyên nhân chính là do nguồn kinh phí để khắc phục thiên tai ở những địa phương thu ngân sách thấp như tỉnh Hà Giang còn rất hạn chế. Đặc biệt, các trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn chưa được đầu tư đầy đủ, gây khó khăn trong công tác ứng phó khi thiên tai xảy ra.

Hiện tại, tỉnh Hà Giang vẫn chưa xây dựng được bản đồ ngập lụt chi tiết ở các địa phương. Các quy hoạch, hay cụ thể hơn là các ngôi nhà chống lũ như ở một số tỉnh miền Trung, cũng chưa được xây dựng do khó khăn về ngân sách.

Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, tỉnh Hà Giang cần được đầu tư mạnh mẽ hơn về trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn, cũng như xây dựng các công trình và hệ thống cảnh báo thiên tai. Chỉ khi đó, người dân miền núi mới có thể an tâm đối mặt với những đợt thiên tai bất ngờ xảy đến.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước